Với tư cách là Chủ tịch ASEAN, sẽ có khoảng từ 16-17 sáng kiến được thực hiện trong năm 2020, trải rộng và bao trùm lên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, công nghệ, kể cả việc hoàn thiện về thể chế, hệ thống hạ tầng, cũng như sự liên kết nội khối trong ASEAN.
Hiện, ASEAN có 6 Hiệp định Thương mại tự do với các đối tác. Đây là những khuôn khổ hợp tác rất lớn, có thể tác động mạnh mẽ vào cấu trúc của thương mại toàn cầu. Với Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mà Việt Nam, ASEAN cùng các nước đối tác dự kiến sẽ ký kết tại Việt Nam trong năm 2020, chắc chắn cũng sẽ mang lại cục diện mới, kết cấu mới của thương mại khu vực và quốc tế.
Tuy nhiên, để tiếp tục hướng tới phát triển và hợp tác khu vực bền vững, công cuộc hội nhập kinh tế ASEAN, Việt Nam cần có những định hướng, chính sách phù hợp. Cụ thể, Việt Nam cùng các nước khẳng định và thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN trong việc điều phối các hoạt động hợp tác kinh tế trong khu vực; thúc đẩy việc xây dựng các khuôn khổ hợp tác mang tính ổn định, bền vững. Đặc biệt, với vai trò là Chủ tịch ASEAN trong năm 2020, Việt Nam sẽ cùng các nước ASEAN thúc đẩy việc điều chỉnh các chương trình hợp tác trong ASEAN một cách phù hợp với tình hình mới, nhất là thông qua việc đánh giá giữa kỳ quá trình thực hiện Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN đến năm 2025.