Tôi có chờ đâu, có đợi đâu.
Đem chi xuân lại gợi thêm sầu ?
Không giống với những bài thơ viết về mùa Xuân thường rộn ràng vui tươi, bài thơ Xuân này là một bài thơ Xuân thảm họa cho mùa xuân với sự căm ghét tiêu cực đến cái mùa mà ai cũng cũng hân hoan chào đón, trừ tác giả bài thơ. Có lẽ khi nhà thơ đáng kính của chúng ta, thi sĩ Chế Lan Viên viết bài thơ Xuân này thì hẳn là ông đang đeo một cặp kiếng đen thui. Và cùng với tài năng của mình, thi sĩ tài danh, tác giả của tập thơ Điêu Tàn nổi tiếng đã viết nên một bài thơ Xuân buồn nhất từ xưa đến nay, và buồn hơn thế từ nay trở lại... xưa.
Vốn thuộc lớp người bi quan chủ nghĩa, tác giả đã phủ một màu đen buồn thê thảm lên một mùa xuân thê thảm buồn. Cả bài thơ là như cả một cuộc chiến không thành chống lại mùa xuân, cuộc chiến lạ đời của một nhà thơ chống lại một kẻ thù cũng lạ đời hơn nữa. Dường như chúng ta thấy mười sáucâu thơ 7 chữ (thất ngôn) này như mười sáu kẻ thất trận thảm bại đang lầm lũi rút đi trong lúc mùa xuân phơi phới đang tiến đến mà không một thế lực nào có thể cản được. Với lối viết nặng tính ẩn dụ thâm sâu của một nhà Nho đã hết thời Nho, cùng với sự cay nghiệt của một kẻ sĩ bất đắc chí, Chế Lan Viên đã đem vào bài thơ của ông những hình tượng lạ đời nhất, độc đáo nhất và cũng không giống ai nhất...
Cái Xuân buồn ở đây như ở trong buồn ra ngoài. Với câu thơ của Nguyễn Du : "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ". Nỗi buồn, nỗi khổ đau như ngự trị trong tim tác giả trong khi Xuân vẫn là xuân vui tươi của thiên hạ thì dường như nỗi buồn, nỗi khổ đau như nhân đôi vậy :
Tôi có chờ đâu, có đợi đâu.
Đem chi xuân lại gợi thêm sầu?
Với tôi, tất cả như vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau!
Là một nhà thơ tài năng, Thi sĩ họ Chế của chúng ta đã chơi ngông bằng những hình tượng thơ phá cách lạ đời nhất như gom hoa tàn lá rã để làm "công sự phòng thủ" chống ... Xuân. Chúng ta thật ngỡ ngàng khi đọc những câu thơ hay nhưng tứ thơ thì thật lạ lùng, bất ngờ "Ai đâu trở lại mùa thu trước" chỉ để lấy những hoa tàn lá úa của mùa thu trước, những thứ bỏ đi vì không còn xuân nữa về để chắn đường ngăn Xuân sang. Những câu thơ lãng mạng ông viết luôn nhắc đến mùa Thu, cái mùa Thu của buồn thảm chia ly mà ông lấy ra để làm đồng minh đối chọi với mùa Xuân mà ông căm ghét :
Ai biết hồn tôi say mộng ảo
Ý thu góp lại cản tình xuân?
Để chống Xuân, ông nhắc đến Thu với vẻ cay nghiệt nhất và cũng trẻ con nhất :
Có một người nghèo không biết tết
Mang lì chiếc áo độ thu tàn!
Là một người tân học nhưng cũng giỏi về cựu học, nhà thơ đã chắt tìm những hình tượng đắt nhất cho bài thơ Xuân tàn Xuân mạt của ông.
Có đứa trẻ thơ không biết khóc
Vô tình bỗng nổi tiếng cười ran!
Phải sống trong thời Pháp thuộc, nói tiếng Tây và cư xử như người Tây với câu nói cửa miệng đầy khinh mạn : "Cest lavi" "Đời là thế..." thì mới hiểu hết cái ý nghĩa rằng, cái đáng cười thì khóc, cái đáng khóc thì cười theo thời thượng Paris hồi đó. Chẳng hạn như khi ta muốn bỏ rơi một cô bồ hoài không được, bỗng một ngày kia cô ấy đến gặp ta xin chia tay để đi lấy chồng, thì ta phải sụt sùi làm ướt chung cái khăn mùi xoa cho đúng điệu. Còn khi ta thua bài sạch cả một sản nghiệp được thừa kế, khi những đồng tiền cuối cùng của ta lọt mất hút vào túi nhà cái thì ta phải bật cười thành tiếng rồi khệnh khạng ra về, phớt tỉnh như thua vài đồng xu lẻ. Mặc dù biết về nhà thì cũng ra đê ở, hoặc lao ra đường lấy ô tô đâm vào đầu mình. Và thuật ngữ là khóc ba tiếng, cười ba tiếng là như thế.
Trở lại bài thơ thì ta hiểu về hình tượng đứa trẻ không biết khóc lại bật cười mà thi sĩ họ Chế đã đưa vào bài thơ Xuân của ông cay nghiệt đến thế nào.
Cuối cùng thì hai câu thơ cổ kiểu Lý Bạch, Thôi Hiệu kết lại bài thơ cho biết ông đã thua Mùa Xuân thẳng cẳng. Nhưng cũng giống như một đứa trẻ, ông vùng vằng giận dỗi ước ao một cái điều cỏn con chỉ vì điều ấy cũng ghét xuân, chống xuân như ông. Đó là mùa thu qua hình tượng quá nhỏ bé, quá mong manh của một cánh chim thu đi lạc bằng những câu thơ cảm thán lập lại.
Chao ôi! mong nhớ ! Ôi mong nhớ
Một cánh chim thu lạc cuối ngàn.
Cần phải nhắc đến Chế Lan Viên như một nhà thơ lập dị nhưng đầy tài năng. Được coi như một thần đồng thơ khi ông viết những bài thơ ở tuổi 9, 10. Và khi chưa thành niên, năm 17 tuổi ông đã xuất bản tập thơ nổi tiếng nhất của mình, tập thơ Điêu Tàn. Đó là một tập gồm nhiều bài thơ miên man mộng mị, nửa điên nửa tỉnh, luôn muốn phủ định hiện thực và siêu thoát với cả thánh thần lẫn ma quỉ giữa một hoang cảnh của điêu tàn. Sự bế tắc vô vọng, sự hướng Thần thái quá cùng với sự muốn nổi loạn đã được ông tung hê lên trong những vần thơ phá cách điên loạn nhưng lại được viết rất đúng cách, những câu thơ chỉn chu gọn gàng, đúng niêm luật và rất hay.
Vẫn là những ý tưởng khác người, khác thường Chế thi sĩ đã đi trên một con đường riêng do ông vạch ra cho riêng ông. Bằng những trải nghiệm, bằng sự tinh tế và bằng cả sự ngạo mạn đề cao cái Tôi, một cá tính mà những nhà thơ lớn thường có, ông đã đi đến đỉnh của cái đích riêng mình. Điều đáng buồn là không lâu sau bài thơ Xuân này thì con đường thơ riêng biệt, đặc biệt của con người tài hoa này bị cắt trở vì lịch sử đã sang trang mới, và cái Trang Mới này đã không dành cho ông một vị thế xứng đáng. Thậm chí có thời nó còn muốn loại trừ những thứ Thơ Điên như thơ của ông, hay thơ của thi sĩ Bùi Giáng Tiên Sinh. Ông loay hoay sống giữa hai thời cũ mới, cố thay đổi mình để tồn tại trong một thế giới tàn nhẫn không dành cho những nhà thơ. Ông như một pho tượng được đánh bóng đưa lên bàn thờ trang trọng, để rồi ở trên đó ông bất lực nhìn thấy những kẻ đưa mình lên đang thủ cắp những xôi oẳn mà mà dân Thơ đạo thành kính dâng lên cho ông...
Chế Lan Viên đã về với cõi Thánh Thần của ông, nhưng ông không chỉ để lạimột cái bút danh đặc biệt nhất trong những bút danh của nhà thơ Việt Nam, mà ông còn để lại bộ Di Cảo Chế Lan Viên đồ sộ xứng đáng với tên tuổi ông. Và một người con gái nối nghiệp cầm bút của ông. Nhà văn nữ tài năng Phan Thị Vàng Anh với tập truyện ngắn một thời đình đám "Khi người ta trẻ"
Và hơn tất thảy, những bài thơ , trong đó có bài thơ Xuân của Chế Lan Viên đã ra đời hơn nửa thế kỷ và cũng từng đó thời gian nó ngự trị trong lòng người y
yêu thơ VN thuộc nhiều thế hệ khác nhau, nhiều tầng lớp khác nhau, thậm chí cả trong lòng những kẻ thù không đôi trời chung với nhau một cách vững chắc và yên bình nhất...