Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Bài thơ thể hiện tình yêu tha thiết của nhà thơ đối với miền đất cực Bắc của Tổ quốc- một vùng núi cao hiểm trở nhưng có một khung cảnh thiên nhiên hoang dã và rất nên thơ. Vùng cổng trời được miêu tả như một bức tranh vô cùng lộng lẫy. Không gian của cổng trời được giới thiệu:
Giữa hai bên vách đá
Mở ra một khoảng trời
Có gió thoảng mây trôi
Cổng trời trên mặt đất?
Câu hỏi tu từ cuối khổ thơ như là một sự ngỡ ngàng của tác giả với vẻ đẹp nơi đây. Cổng trời trên mặt đất là khoảng trời có gió, có mây giữa hai bên vách đá, nơi núi cao tưởng như là nơi gặp gỡ giữa trời và đất. Từ cổng trời nhìn ra qua màn sương khói huyền ảo ta thấy một bức tranh thiên nhiên thật thơ mộng:
Nhìn ra xa ngút ngát
Bao sắc mầu cỏ hoa
Con thác réo ngân nga
Đàn dê soi đáy suối
Giữa ngút ngàn cây trái
Dọc vùng rừng nguyên sơ
Không biết thực hay mơ
Ráng chiều như hơi khói...
Khung cảnh thiên nhiên có đủ cỏ cây, hoa lá, cái gì cũng thật tuyệt. Bao sắc màu cỏ hoa đang đua nhau khoe sắc dưới ánh nắng mặt trời. Xa xa, kia là thác nước trắng xóa đổ xuông triền núi cao vang vọng, ngân nga như khúc nhạc của đất trời ngợi ca vẻ đẹp của núi rừng. Bên dòng suối mát trong uốn lượn dưới chân núi, đàn dê thong dong, soi mình xuống đáy nước. Hình ảnh “Đàn đê soi đáy suối “ gợi lên những chú dê xinh xắn, đáng yêu, biết làm duyên, làm dáng khiến cảnh vật trở nên sinh động và hữu tình hơn. Ở đây biện pháp tu từ so sánh và nhân hóa được tác giả sử dụng thật tinh tế đã giúp nhà thơ vẽ ra một bức tranh thiên nhiên có cảnh sắc nên thơ và khoáng đạt. Bức tranh ấy có thơ, có nhạc và có họa. Đặc biệt khi ráng chiều buông xuống bức tranh ấy lại trở nên hyền ảo hơn khiến ta có cảm giác như lạc vào chốn thần tiên kì ảo... Thiên nhiên đẹp nhưng rất đỗi thanh bình. Tác giả đã lựa chọn những từ ngữ có khả năng gợi tả vẻ đẹp tự nhiên, trong sáng lạ thường và tràn đầy sức sống.
Giữa khung cảnh thiên nhiên ấy, con người xuất hiện trong sự tất bật, rộn ràng và họ đã có một mùa vàng bội thu:
Những vạt nương màu mật
Lúa chín ngập lòng thung
“Màu mật” là màu của lúa chín trĩu bông, là màu của sự no đủ. Từ “ngập” lại càng thể hiện rõ hơn cảnh được mùa của con người nơi đây. Con người hăng say lao động. Họ hòa cùng thiên nhiên, cây cỏ làm cho bức tranh thiên nhiên trở nên sinh động hơn, ấm áp hơn. Hình ảnh con người lao động giữa khung cảnh thiên nhiên ấy trông thật đáng yêu, đáng quý. Nhịp thơ gấp gáp gợi tả cảnh lao động nhộn nhịp làm cho ta cảm giác núi rừng nơi cổng trời không còn lạnh giá, hoang vu mà thật trù phú, ấm áp:
Người Tày từ khắp ngả
Đi gặt lúa trồng rau
Những người Giáy, người Dao
Đi tìm măng, hái nấm
Vạt áo chàm thấp thoáng
Nhuộm xanh cả nắng chiều
“Áo chàm ” là trang phục đặc trưng của nhân dân các dân tộc miền núi. Hình ảnh hoán dụ vạt áo chàm “nhuộm’ xanh cả nắng chiều là hình ảnh đẹp nhất trong bài thơ. Hình ảnh này giúp ta thấy được con người đã làm chủ bức tranh thiên nhiên . Sự xuất hiện của con người trong sự lao động hăng say và trong mối quan hệ hài hòa với thiên nhiên đã làm cho cánh rừng sương giá trong mùa đông trở nên ấm áp.
Bài thơ thể hiện cảm xúc thích thú, say sưa, ngỡ ngàng của tác giả trước vẻ đẹp thiên nhiên. Chính cảm xúc đó đã giúp nhà thơ vẽ nên một bức tranh về cổng trời thật đẹp và ấm cúng. Con người và thiên nhiên nơi đây tràn đầy sức sống và đáng yêu.Đọc bài thơ ta thêm yêu, thêm quý, thêm tự hào về đất nước Việt Nam tươi đẹp.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |