I. Tình hình kinh tế - xã hội
1. Những biến động về kinh tế.
- Khi chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, Pháp ra sức vơ vét tối đa nhân lực vật lực và tài lực để gánh đỡ những tổn thất và thiếu hụt của Pháp trong chiến tranh.
- Nhân dân Việt Nam phải đóng nhiều thứ thuế, mua công trái, chính quyền thực dân vơ vét lương thực, nông lâm sản, kim loại… đem về Pháp.
- Sự cướp bóc của Pháp ảnh hưởng trầm trọng đến kinh tế - xã hội Việt Nam.
+ Công nghiệp: Ngành khai mỏ được bỏ vốn thêm, một vài công ty than mới xuất hiện, các kim loại cần cho chiến tranh được khai thác mạnh. Trong giai đoạn này, Pháp nới lỏng cho các xí nghiệp của người Việt mở rộng quy mô sản xuất và kinh doanh, nhiều xí nghiệp mới xuất hiện.
+ Công thương nghiệp, giao thông vận tải phát triển do chính sách nới tay độc quyền cho tư bản người Việt được kinh doanh tương đối tự do. Công việc kinh doanh của người Việt được mở rộng như công ty của Nguyễn Hữu Thu, Bạch Thái Bưởi, nhiều cơ sở kinh doanh mới xuất hiện.
+ Nông nghiệp chuyển từ chuyên canh cây lúa sang trồng cây công nghiệp phục vụ chiến tranh (thầu dầu, đậu, lạc…) khiến đời sống nông dân càng khó khăn.
2. Tình hình phân hóa xã hội.
- Chính sách của Pháp và những biến động về kinh tế trong chiến tranh đã tác động mạnh đến sự phân hóa xã hội Việt Nam.
- Nạn bị bắt lính và những chính sách trong nông nghiệp đã làm sức sản xuất ở nông thôn giảm sút nghiêm trọng, cộng thêm nạn chiếm đoạt ruộng đất, sưu thuế gia tăng, thiên tai xảy ra liên tiếp làm đời sống nông dân bị bần cùng.
- Giai cấp công nhân lớn lên về số lượng, đặc biệt trong hai ngành khai mỏ (từ 12.000 người năm 1913 lên 17.000 người năm 1916) và trồng cao su (tăng gấp 5 lần).
- Tư sản Việt Nam dần thoát khỏi sự kiềm chế của người Pháp và phát triển như Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Hữu Thụ.
- Các tầng lớp tiểu tư sản thành thị phát triển rõ rệt về số lượng. Tuy nhiên tư sản và tiểu tư sản chưa trở thành giai cấp; họ giữ những vai trò kinh tế, chính trị nhất định nhưng lực lượng chủ chốt của phong trào dân tộc thời kỳ này vẫn là công nhân và nông dân.
II. Phong trào đấu tranh vũ trang trong chiến tranh
1. Hoạt động của Việt Nam Quang phục hội:
- Tháng 9/1914, chi hội Vân Nam được thành lập với lực lượng là công nhân, viên chức hỏa xa tuyến Hải Phòng - Vân Nam.
- Hội đã tiến hành một số cuộc bạo động như tấn công các đồn binh Pháp ở Cao Bằng, Phú Thọ, Nho Quan, Móng Cái… phá nhà ngục Lao Bảo (Quảng Trị).
- Sau đợt khủng bố lớn của thực dân Pháp, hội tan rã vào năm 1916.
2. Cuộc vận động khởi nghĩa của Thái Phiên và Trần Cao Vân (1916).
- Lãnh đạo gồm Vua Duy Tân, Thái Phiên và Trần Cao Vân, lực lượng tham gia khởi nghĩa là nhân dân và binh lính ở Trung kì.
- Dự định khởi nghĩa vào giữa tháng 5/1916 nhưng do lộ kế hoạch, thực dân Pháp tước vũ khí của binh lính người Việt, lùng bắt những người yêu nước, trong đó có 3 người lãnh đạo nên khởi nghĩa thất bại.
3. Khởi nghĩa của binh lính Thái Nguyên (1917).
- Lãnh đạo cuộc bạo động là Trịnh Văn Cấn và Lương Ngọc Quyến. Lực lượng là tù chính trị và binh lính người Việt tại nhà tù Thái Nguyên.
- Đêm 30 rạng sáng 31/8/1817, quân khởi nghĩa kiểm soát toàn bộ thị xã (trừ trại lính Pháp), giương cờ “Nam binh phục quốc”. Phát hịch tuyên bố Thái Nguyên độc lập, đặt quốc hiệu là Đại Hùng, vạch tội ác của giặc Pháp, kêu gọi khôi phục nền độc lập của đất nước.
- Pháp đưa 2000 lính lên Thái Nguyên tiếp viện, sau một tuần làm chủ tỉnh lị, nghĩa quân rút ra ngoài và kéo dài cuộc chiến trong 6 tháng thì thất bại.
4. Những cuộc khởi nghĩa vũ trang của đồng bào các dân tộc thiểu số.
- Tháng 11/1914, đã bùng nổ cuộc khởi nghĩa của người Thái. Nghĩa quân đánh chiếm nhiều đồn giặc dọc biên giới Việt – Lào. Pháp huy động 3000 quân đối phó, đến tháng 3/1916 mới tạm yên.
- Năm 1918, người Mông ở Lai Châu khởi nghĩa, thu hút hầu hết nhân dân các dân tộc thiểu số Tây Bắc, cuộc khởi nghĩa kéo dài 4 năm, buộc chính quyền thực dân phải nới rộng kìm kẹp, áp bức.
- Tháng 11/1918, ở vùng Đông Bắc, binh lính đồn Bình Liêu nổi dậy, lôi cuốn đông đảo các dân tộc Nùng, Dao tham gia, đến giữa năm 1919, Pháp mới dẹp yên được.
- Ở Tây Nguyên, bùng nổ nhiều cuộc nổi dậy của đồng bào thiểu số, lớn nhất là khởi nghĩa của đồng bào Mnông do N’Trang Lơng chỉ huy, kéo dài hơn 20 năm, đến năm 1935 mới chấm dứt.
5. Phong trào Hội kín ở Nam kì.
- Phong trào yêu nước tồn tại trong các hội kín như Thiên địa hội, Nghĩa hòa hội, Phục hưng hội… lãnh đạo là Phan Xích Long. Lực lượng chủ yếu là nông dân ở Nam kì, đáng chú ý nhất là vụ đột nhập vào Sài Gòn, mưu phá khám lớn để cứu Phan Xích Long.
- Phong trào thất bại vì thiếu sự lãnh đạo của giai cấp tiên tiến nhưng biểu lộ tinh thần quật khởi của nông dân miền Nam.
III. Sự xuất hiện khuynh hướng cứu nước mới
1. Phong trào công nhân.
- Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, phong trào công nhân vẫn phát triển, kết hợp đấu tranh kinh tế với bạo động vũ trang như nghỉ việc chống cúp phạt lương (công nhân nhà máy sàng Kế Bào, Quảng Ninh), bỏ trốn chống bọn cai thầu (công nhân mỏ bôxít Cao Bằng), tham gia khởi nghĩa Thái Nguyên (công nhân mỏ than Phấn Mễ, Na Dương), đốt nhà cai thầu (công nhân mỏ than Hà Tu)…
- Phong trào thể hiện rõ tinh thần đoàn kết, kỷ luật của giai cấp công nhân, tuy nhiên phong trào vẫn mang tính tự phát.
2. Buổi đầu hoạt động của Nguyễn Tất Thành (1911- 1918).
- Nguyễn Tất Thành tên thật là Nguyễn Sinh Cung, sinh ngày 19/5/1890 trong một gia đình trí thức yêu nước ở Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An) nên sớm có tinh thần yêu nước và ý chí cứu nước.
- Ngày 5/6/1911, Người rời cảng Nhà Rồng ra đi tìm con đường cứu nước cho dân tộc.
- Từ năm 1911 - 1917, Người đi qua nhiều nước và nhận thức rằng ở đâu bọn thực dân cũng tàn bạo, độc ác và ở đâu, người lao động cũng bị áp bức, bóc lột dã man.
- Cuối năm 1917, Người từ Anh sang Pháp, tích cực học tập, rèn luyện và tham gia phong trào công nhân Pháp. Người đã tích cực viết báo, truyền đơn…tố cáo thực dân Pháp và tuyên truyền cho cách mạng Việt Nam.
- Sống và làm việc trong phong trào công nhân Pháp, tiếp nhận tư tưởng của Cách mạng tháng Mười Nga, tư tưởng của Người có những chuyển biến mạnh mẽ, là cơ sở để sau này Người xác định con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam.