Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Tảo hôn và hôn nhân cận huyết không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây ra hệ lụy rất lớn đối với cá nhân, gia đình và xã hội. Chúng ta cần làm gì để ngăn chặn, đầy lùi tình trạng này? Đây là câu hỏi mà có nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương đã từng trăn trở, đi tìm câu trả lời.
Trước hết nói về tảo hôn: Tảo hôn là việc xác lập quan hệ vợ chồng khi một bên hoặc cả hai bên nam nữ chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật về Hôn nhân và gia đình (Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên).
Theo số liệu điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số (DTTS), tỷ lệ tảo hôn chung trong các DTTS là 26,6%, cao gấp 18 lần so với dân tộc Kinh (1,4%) và gấp 10 lần so với tỷ lệ chung của cả nước (2,5%). Có 40/53 DTTS có tỷ lệ tảo hôn trên 20%; trong đó, 10 DTTS có tỷ lệ tảo hôn từ 20-30%, 11 DTTS từ 30-40%, 13 DTTS ở mức 40-50% và 6 DTTS có tỷ lệ tảo hôn từ 50-60%. Các dân tộc có tỷ lệ cao nhất thường rơi vào các dân tộc sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, điển hình là các dân tộc: Mông, Xinh Mun, Lô Lô, Mảng, La Ha, Lự, Lào, La Chí, Cơ Lao, Hà Nhì, La Hủ, Phù Lá, Ơ Đu, Dao, Khơ Mú, Cống, Gia Rai, Xơ Đăng, Ba Na....(1)
Các tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Cạn, Kon Tum, Gia Lai có tỷ lệ tảo hôn cao trong cả nước, trong đó tỉnh Lai Châu có tỷ lệ tảo hôn cao nhất, có gần 1/5 dân số nam từ 15-19 tuổi (chiếm 18,65%) và 1/3 dân số nữ từ 15-18 tuổi (chiếm 33,8%) dân số của tỉnh tảo hôn. Tiếp đó là tỉnh Sơn La, nhiều xã có tỷ lệ tảo hôn lên tới trên 50%,...(2)
Ở địa bàn xa xôi hẻo lánh, vùng đặc biệt khó khăn, tình trạng tảo hôn có xu hướng gia tăng, từ 2,4% năm 2011 lên 3,1% năm 2013 đối với nam và từ 8,4% năm 2011 lên 11,2% năm 2013 đối với nữ. Ở nhóm tuổi dưới 18, phụ nữ dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn cao hơn gần 3 lần so với nam dân tộc thiểu số (nữ DTTS 15,8%, nam DTTS 5,8%); phụ nữ sống ở khu vực nông thôn có tỷ lệ tảo hôn cao gấp 2 lần so với khu vực thành thị (tỷ lệ tương ứng là 15,2% so với 6,2% năm 2011 và 13,5% so với 6,7% năm 2013); vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên có tỷ lệ phụ nữ tảo hôn cao nhất so với các vùng khác (miền núi phía Bắc 18,8%, Tây Nguyên 15,1%)(3)
Ở Quảng Ninh, tảo hôn chưa phải là vấn đề “nóng“, nhưng cũng có nhiều cặp vợ chồng người Dao, Tày,... xác lập quan hệ vợ chồng ở độ tuổi dưới 18. Theo thống kê từ nguồn báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp huyện, trong khoảng thời gian từ 2011-2015, trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số của tỉnh có 84 cặp kết hôn khi chưa đủ tuổi, trong đó chiếm gần 90% số cặp vợ chồng người Dao sinh sống ở các xã vùng khó khăn của tỉnh.
Hôn nhân cận huyết thống: Là việc xác lập quan hệ vợ chồng giữa những người cùng giòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời. Theo thống kê của Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), các dân tộc Lô Lô, Hà Nhì, Phù Lá, Chứt, Ê Đê, Chu Ru, Si La, Pu Péo, Mông, Rơ Măm, Brâu… có tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống lên đến 10%. Cụ thể: Các dân tộc như Si La (Điện Biên, Lai Châu), Lô Lô, Pu Péo (Hà Giang), Mông (Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái), Brâu, Rơ Măm (Kon Tum)... cứ 100 trường hợp kết hôn thì có khoảng 10 trường hợp là hôn nhân cận huyết thống.
Riêng ở tỉnh Lai Châu, từ năm 2004-2011 có trên 200 người kết hôn cận huyết thống, tập trung ở một số dân tộc thiểu số rất ít người như: Mảng, La Hủ, Cống. Ở tỉnh Lào Cai, theo kết quả khảo sát của Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình năm 2012 tại 44 xã thuộc 9 huyện đã phát hiện 224 cặp hôn nhân cận huyết thống; huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình có tới 23% dân số trong huyện mang gen bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia); tỉnh Kon Tum, qua khảo sát của Chi cục Dân số, Kế hoạch hoá Gia đình năm 2012, tại 6 xã thuộc 3 huyện Sa Thầy, Ngọc Hồi và Kon Plông đã phát hiện 56 cặp hôn nhân cận huyết thống/tổng số 350 cặp tảo hôn (chiếm gần 1/6 số cặp tảo hôn), đặc biệt tình trạng hôn nhân cận huyết thống diễn ra ở dân tộc Chứt tại bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh hiện nay vẫn còn là vấn đề nhức nhối.(4)
Còn ở Quảng Ninh, theo khảo sát hành chính, thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện có tình trạng hôn nhân cận huyết thống.
Hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống như thế nào?
Thực tiễn và khoa học đã chứng minh việc kết hôn sớm làm mất đi cơ hội học tập, việc làm, cải thiện điều kiện sống và chăm sóc sức khỏe của bà mẹ, trẻ em. Việc kết hôn sớm, mang thai và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên khi cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện, thiếu hiểu biết, kinh nghiệm và chưa sẵn sàng về mặt tâm sinh lý để mang thai và sinh con đã ảnh hưởng lớn tới sức khỏe bà mẹ, sự phát triển bình thường của thai nhi và trẻ sơ sinh. Đây là một trong nguyên nhân làm tăng gấp 2 lần tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi thể thiếu cân và thấp còi; tăng tỷ lệ tử vong ở nhóm trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi (tỷ lệ này ở nhóm trẻ em dân tộc thiểu số cao gấp 3 lần so với nhóm trẻ em dân tộc Kinh); tăng tỷ lệ tử vong của bà mẹ liên quan đến thai sản (ở các huyện nghèo vùng dân tộc miền núi tỷ lệ này cao gấp 5 lần so với mức bình quân quốc gia và gấp 4 lần ở một số nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số so với nhóm phụ nữ dân tộc Kinh.
Hôn nhân cận huyết thống ảnh hưởng nghiêm trọng đến giống nòi, chất lượng dân số và nguồn nhân lực của của vùng dân tộc thiểu số nói riêng và của một quốc gia nói chung. Đó là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ xã hội và sự phát triển bền vững của vùng dân tộc thiểu số, của một quốc gia.
Dị tật bẩm sinh do hôn nhân cận huyết thống
Những trẻ em được sinh ra từ các cặp vợ chồng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống có tỷ lệ mắc các bệnh dị tật bẩm sinh, chậm phát triển, suy dinh dưỡng, tử vong sơ sinh cao hơn so với những trẻ em được sinh ra từ các cặp vợ chồng đã đủ tuổi kết hôn, mạnh khỏe. Có tới 25% trẻ sinh ra từ các cặp vợ chồng hôn nhân cận huyết thống khả năng bị các bệnh và 50% mang gen bệnh tan máu bẩm sinh di truyền (Thalassemia). Việt Nam được xếp vào khu vực có nguy cơ cao với trên 5 triệu người mang gen bệnh tan máu bẩm sinh. Tỷ lệ mang gen bệnh cao tập trung chủ yếu ở vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, vùng có tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cao. Hiện tại chưa có phương pháp điều trị khỏi bệnh Thalassemia, người bệnh cần phải điều trị suốt cả cuộc đời với chi phí rất tốn kém, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội, để lại những hậu quả rất nặng nề cho thế hệ tương lai.
Tảo hôn và kết hôn cận huyết thống làm cho các chủ thể rơi vào vòng luẩn quẩn: Đói nghèo - thất học – đói nghèo. Thực tế cho thấy, các tỉnh có tỷ lệ tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết cao thì cũng là tỉnh có tỷ lệ hộ đói nghèo cao và ngược lại. Có thể nói tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vừa là nguyên nhân, vừa là hậu quả của nghèo đói, thất học và suy giảm chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng tiêu cực đến việc hoàn thành các mục tiêu thiên niên kỷ, thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội của đất nước nói chung, giữa miền núi và miền xuôi nói riêng.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |