Trong khung cảnh đối diện với Thúy Kiều, Hoạn Thư đã rất bình tĩnh đưa ra những lập luận, lí lẽ để biện minh cho bản thân mình. Lập luận của Hoạn Thư rất chặt chẽ, vừa có lí, vừa có tình, vừa nhận tội Vừa bào chữa, vừa đề cao người, lại vừa minh oan cho mình.
Trước hết, Hoạn Thư đưa ra giải thích sự ghen tuông là tâm lý chung của đàn bà, để mong Kiều thấy đó là lẽ thường tình mà người phụ nữ nào cũng đều thấu hiểu. Sau đó, Hoạn Thư kín đáo kể công đã chạnh lòng thương xót mà cho Kiều ra chép kinh ở Quan Âm Các: Nghĩ cho khi gác viết kinh và dẫu biết mà không bắt giữ khi nàng bỏ trốn khỏi nhà họ Hoạn: Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo. Tiếp theo, Hoạn Thư bày tỏ nỗi lòng, chồng chung nên những hờn ghen là tất yếu, đều là cảnh chồng chung nên chẳng thể nhường nhau được. Sắc sảo và khôn ngoan hơn, cuối cùng Hoạn Thư nhận hết tội lỗi về mình và xin Kiều khoan dung. Trước những lời lẽ của Hoạn Thư, Kiều phải thừa nhận rằng ả "Khôn ngoan đến mực nói năng phải lời" và đã chấp nhận tha cho Hoạn Thư.
Thông qua những lời lẽ biện minh, lập luận chặt chẽ của Hoạn Thư, Nguyễn Du đã tô đậm tính cách của nhân vật, làm cho nội dung tự sự trở nên mạch lạc, khúc chiết.