Bài thơ “Đồng chí” – một bài thơ thành công của Chính Hữu khi đi khai thác đề tài vẻ đẹp người lính. Người lính vốn là những con người xa lạ nhưng họ lại được gắn kết với nhau bằng tình cảm đồng chí thiêng liêng, cao đẹp. Tình đồng chí ấy được bắt nguồn từ nhiều cơ sở. Trước tiên, tình đồng chí – đồng đội giữa những người lính trong chiến dịch Việt Bắc bắt nguồn từ sự tương đồng về cảnh ngộ, hoàn cảnh xuất thân. Họ mặc dù là những người từ nhiều phương trời khác nhau nhưng đều chung cảnh quê nghèo đói: “Quê hương anh đất mặn, đồng chua/ Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”. Họ có chung một hoàn cảnh xuất thân, đều là những người nông dân nghèo trên quê hương nhọc nhằn, nghèo khó, đất nhiễm mặn, đồng ruộng cằn cỗi, đất trơ sỏi đá. Chung hoàn cảnh nghèo, lại chung xuất thân là giai cấp nông dân. Những người lính còn có chung một mục đích cách mạng đó là chống giặc để bảo vệ đất nước, thoát khỏi kiếp làm nô lệ, sống cuộc sống tự do. Tình đồng chí được gây dựng nên từ sự chung lí tưởng cách mạng, chung nhiệm vụ chiến đấu. Ở những người lính đều có lí tưởng cách mạng vững vàng, chung một lòng tin vào đường lối và sự lãnh đạo của Đảng. Họ cùng chung nhiệm vụ và luôn sát cánh bên nhau cùng chiến đấu trong mọi hoàn cảnh “Súng bên súng, đầu sát bên đầu”. Tình đồng chí ở những người lính còn được nảy nở trong suốt quá trình cùng nhau làm nhiệm vụ, tình cảm ấy càng ngày càng bền chặt và ý nghĩa hơn khi họ chung hoàn cảnh sống, chiến đấu, sống yêu thương, chia sẻ và đùm bọc lẫn nhau. “Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ”, tình đồng chí là cùng nhau đi qua gian lao, nguy hiểm, khó khăn, chia ngọt sẻ bùi cùng nhau và trở thành những người tri kỉ của nhau. Hai từ “Đồng chí” thốt lên cuối đoạn thơ như một lời khẳng định thiêng liêng và chắc chắn về cội nguồn hình thành nên tình đồng chí.