1. Sơ lược về thuật ngữ “bối cảnh” và nghiên cứu bối cảnh
Thuật ngữ “bối cảnh” bắt nguồn từ tiếng La-tinh “textere”, vốn có nghĩa là “hành động dệt”. Trong một nghĩa rộng hơn, “bối cảnh” là tất cả những gì đi cùng với văn bản. Một văn bản, giống như một mảnh vải, được “dệt” thành từ tình huống của một sự diễn xướng được bố trí sẵn (mà trong đó gồm): người nghe, người trình diễn, những nền tảng kiến thức và hiểu biết của một nhóm người có tính xã hội, và nền tảng văn hoá của người kể/hát lẫn người nghe.
Bối cảnh (context) là một khái niệm cơ bản trong nhân học. Nghiên cứu bối cảnh là đặt đối tượng trong những mối liên hệ và quan hệ khác nhau với các đối tượng khác cũng như các yếu tố môi trường xung quanh. Phương pháp chính của các nhà nhân học - những người làm điền dã (field workers) - là quan sát - tham dự (participant observation): tham gia trực tiếp vào thế giới thực tiễn (empirical world), lấy thông tin từ các tình huống cụ thể, các bối cảnh xã hội (social contexts) để hiểu biết cuộc sống của đối tượng nghiên cứu theo cách nhìn của chính đối tượng nghiên cứu (inside). Thông tin mà họ hướng tới không phải là bức tranh về cộng đồng mà là bức tranh về cuộc sống của cộng đồng theo cách mà cộng đồng đó đang sống (life as lived) với các mối quan hệ (social relations) và sự tương tác xã hội (social interaction) và các yếu tố, các vấn đề sâu xa ẩn dưới các mối quan hệ và tương tác này, nói chung là các động lực xã hội tác động đến hành vi con người.
Trường phái nghiên cứu “bối cảnh” ra đời ở Mỹ vào thập niên 60 của thế kỷ XX. Trong giai đoạn này, các nhà nghiên cứu thường đặt văn học dân gian trong bối cảnh chung của văn hoá các dân tộc, trong đó, hoàn cảnh diễn xướng được đề cập một cách sơ lược, gián tiếp như những chỉ dẫn đi kèm các dị bản tác phẩm được sưu tầm. Đóng góp lớn của các nhà folkore học giai đoạn này là tái dựng những phong tục xa xưa bị thời gian vùi lấp để hỗ trợ cho việc lí giải nội dung ẩn sau những chi tiết thể hiện trên bề mặt ngôn từ của tác phẩm.
Cuối thế kỷ XX, những nhà nghiên cứu folklore ở Hoa Kỳ bắt đầu khởi xướng hướng tiếp cận mới – xem folklore như một quá trình, tiếp cận folklore từ hướng bối cảnh. Những quan niệm về bối cảnh và tầm quan trọng của nó trong việc hiểu văn bản đòi hỏi cần có một cấp độ mới của việc phân tích và chuyển hướng chú ý của các nhà nghiên cứu folklore từ chức năng sang ý nghĩa, từ giải thích sang thông diễn. Cụ thể nhất, Alan Dundes (1964) yêu cầu làm sáng tỏ bản chất của bối cảnh bằng cách đặt bối cảnh trong mối quan hệ với các khái niệm “văn bản” (một phiên bản đơn lẻ của một tiết mục folklore) và “kết cấu” (những yếu tố thuộc về cấu trúc ngôn ngữ của văn bản). Theo Dundes, bối cảnh của một tiết mục folklore là một hoàn cảnh xã hội đặc biệt mà trong đó, các tiết mục cụ thể được sử dụng thực sự. Dundes đã khẳng định rằng văn bản và những yếu tố liên quan phải được hiểu không chỉ là có mối quan hệ với bối cảnh mà còn bị bối cảnh gây ảnh hưởng. Do vậy, trong lĩnh vực sưu tầm folklore, tài liệu được tìm hiểu không chỉ là văn bản mà còn là bối cảnh bởi lẽ bối cảnh sẽ cung cấp cho chúng ta câu trả lời cho câu hỏi: điều gì quan trọng trong văn bản và tại sao chúng được sử dụng trong hoàn cảnh xã hội đó. Việc phân tích [các vấn đề] ai kể, kể cái gì, kể với ai, kể khi nào và kể trong hoàn cảnh nào cho phép chúng ta hiểu được tại sao văn bản có một cấu trúc hình thức như vậy.
Ở Việt Nam, hướng tiếp cận văn học dân gian theo hướng bối cảnh được bắt đầu vào những năm cuối của thế kỉ XX qua một số công trình giới thiệu lý thuyết. Trong hai năm 1999 và 2000, Nguyễn Thị Hiền đã công bố hai bài viết mang tính gợi mở cho hướng nghiên cứu này: “Quan niệm mới về folklore và quá trình văn bản hoá folklore ở Hoa Kì” và “Một số phương pháp nghiên cứu folklore ở phương Tây”. Trong bài viết, tác giả có giới thiệu những quan điểm nghiên cứu của nhiều nhà khoa học có ảnh hưởng lớn đến nền văn học dân gian Hoa Kì đương đại như Richard M. Dorson, Dan Ben-Amos, Alan Dundes, Richard Bauman, Robert Goerges...
Năm 2001, Chu Xuân Diên đề cập đến việc nghiên cứu văn học dân gian theo hướng tiếp cận bối cảnh như một phương pháp luận qua bài viết: “ Nhìn lại một vài quan điểm lý thuyết và phương pháp nghiên cứu văn hoá dân gian ở Việt Nam”. Trong bài viết này, sau khi nhìn nhận lại các phương hướng và phương pháp nghiên cứu văn hoá dân gian ở nước ta, ông đã đề xuất cách tiếp cận liên ngành đối với văn hoá dân gian. Với cách tiếp cận lien ngành, việc tìm đến các phương pháp của ngành dân tộc học, xã hội học, nhân học là điều cần thiết
Năm 2005, với nỗ lực của giới nghiên cứu, dịch thuật (được sự hỗ trợ của các học giả nước ngoài), viện nghiên cứu Văn hoá xuất bản hai cuốn sách có tính kinh điển về lý tuyết và phương pháp cho những người nghiên cứu folklore ở Việt Nam: “ Folklore thế giới – những công trình nghiên cứu cơ bản” và “ Folklore – một số thuật ngữ đương đại” do Ngô Đức Thịnh và Frank Proschan chủ biên.
Năm 2006, Trần Thị An có bài viết: “ Nghiên cứu Văn học dân gian ở Hoa Kì – một số quan sát bước đầu”. Tác giả đã khái quát lịch sử nghiên cứu folklore ở Hoa Kì đồng thời chỉ ra sự thay đổi cơ bản hướng tiếp cận trong nghiên cứu folklore từ folklore tư liệu (folklore-as-materals) sang hướng folklore giao tiếp (folklore-as-communication); từ cách lấy văn bản làm trung tâm (text-centered) sang lấy bối cảnh làm trung tâm (context centered)
Năm 2011, tác giả Hồ Quốc Hùng (trong bài viết: Nghiên cứu văn học dân gian và vấn đề văn bản) trên cơ sở nhận xét những hạn chế trong việc văn bản hoá tác phẩm văn học dân gian đã đề xuất một góc nhìn “cần phải xem tác phẩm văn học dân gian dưới góc độ hành động ngôn từ chứ không chỉ dừng lại ở quan niệm yếu tố ngôn ngữ thuần tuý trong văn bản”
Tóm lại, hướng nghiên cứu bối cảnh dựa trên nền tảng thành quả của tâm lí học hành vi, ngôn ngữ học xã hội và nhân học văn hoá. Tiếp cận dưới góc độ bối cảnh không chối bỏ mà phối hợp với hướng tiếp cận văn bản và các phương pháp ngữ văn nhằm trả tác phẩm folklore về đời sống của nó. Qua những phân tích nêu trên, việc nghiên cứu bối cảnh tập trung vào các khía cạnh: sự diễn xướng, người kể, người nghe, thông điệp và cái môi trường, không khí xung quanh những yếu tố đó. Một văn bản được đưa vào thực tiễn sẽ có những thay đổi thế nào so với việc đọc nó bằng chữ viết? ý nghĩa của một câu chuyện nào đó trong suy nghĩ người tham gia vào tiết mục diễn xướng có gì khác với việc đọc câu chuyện đó trên văn bản giấy? Khi nghe một câu nào đó, điều mà cộng đồng đó quan tâm là gì?... là những vấn đề mà hướng nghiên cứu theo bối cảnh sẽ đi tìm câu trả lời.
2. Đặc tính “sống” của Văn học dân gian
Văn học dân gian là một trong hai bộ phận cấu thành, là nền tảng của văn học viết, là chặng đầu của nền văn học dân tộc (Khi chưa có chữ viết, nền văn học Việt Nam chỉ có văn học dân gian). Tuy nhiên, văn học dân gian được sang tác bằng một cơ chế và phương pháp khác với văn học viết, được phổ biến bằng một cách thức gắn liền với đời sống sinh hoạt và lao động, và được lưu tồn trong một hình thức có tình nguyê hợp nhiều yếu tố. Vì vậy, văn học dân gian vừa có đặc tính nghệ thuật lẫn đặc tính xã hội rất đậm nét. Từ đó có thể nói rằng: cùng với những thành tựu của văn học viết, văn học dân gian với những đặc trưng độc đáo của mình đã góp phần không nhỏ trong việc phát quang sự giàu đẹp cho nền văn học nước nhà.
2.1. Tính nguyên hợp, một đặc tính nổi trội, cơ bản, quan trọng vào bậc nhất của văn học dân gian. Tính nguyên hợp trong các tác phẩm văn học dân gian là sự tổng hợp một cách tự nhiên nhiều thành phần nghệ thuật, chức năng, ý thức... trong một chỉnh thể nghệ thuật không thể chia cắt. Khi nghiên cứu văn học dân gian, các nhà nghiên cứu, tùy theo góc độ và cách thức tiếp cận của mình đã đề cập đến thuộc tính nguyên hợp trên nhiều phương diện khác nhau. Tác giả Đinh Gia Khánh trong cuốn "Văn học dân gian Việt Nam" đã khẳng định: VHDG là một hình thái ý thức xã hội phức tạp. Tính nguyên hợp về hình thái ý thức của VHDG có nguồn gốc và là biểu hiện của sự nhận thức nguyên hợp của người nguyên Thủy. Tính chất nguyên hợp thể hiện ở nhận thức thẩm mĩ, thể hiện ở nội bộ nghệ thuật nguyên thủy chưa có sự phân hóa rõ rệt và sự phát triển độc lập của các loại hình nghệ thuật khác nhau. VHDG sinh ra trong xã hội nguyên thủy, thành phần ngôn từ kết hợp chặt chẽ và hữu cơ với nhiều thành phần nghệ thuật khác nhau: như âm nhạc, nhảy múa, điệu bộ,... Tùy theo hoàn cảnh mà thành tố này hoặc thành tố khác nổi bật
Hoàng Tiến Tựu trong cuốn: "Văn học dân gian Việt Nam" đã cho rằng nhân dân sáng tác và sử dụng văn học dân gian không phải như một loại nghệ thuật chuyên môn cách biệt với đời sống hàng ngày mà là một công cụ vạn năng (đa chức năng) của đời sống, giao cho nó tất cả những gì mà nó có thể thực hiện được để đáp ứng nhu cầu mọi mặt về đời sống. Vì thế, văn học dân gian không phải chỉ là văn học - nghệ thuật mà nó còn là triết lí. Lịch sử, luân lí, tín ngưỡng, khoa học thường thức... là kho tàng trí khôn và kinh nghiệm sống của nhân dân về mọi phương diện (chăn nuôi, trồng trọt, dạy con cái, làm nhà, khí tượng, thiên văn...)
Tính nguyên hợp của VHDG chẳng những thể hiện ở sự kết hợp nhiều loại phương tiện và chất liệu nghệ thuật khác nhau: lời, nhạc, vũ... mà còn thể hiện ở sự kết hợp đan xen nhiều loại hình thái ý thức chưa phân hóa rõ rệt, sâu sắc (ngoài hình thái ý thức thẩm mĩ còn có nhiều thành tố ý thức khác nhau: tín ngưỡng, tôn giáo, triết lí, luận lí, khoa học sơ khai...). Sự đan xen giữa các hình thái ý thức thẩm mĩ và các loại hình thái ý thức khác diễn ra một cách tự nhiên, tự phát, tạo ra sự hài hòa và vẻ đẹp hồn nhiên, độc đáo đến mức tuyệt vời của những hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm văn học dân gian.
2.2. Văn học dân gian là những tác phẩm nghệ thuật ngôn từ lưu giữ theo phương thức truyền miệng từ đời này sang đời khác, từ địa phương này sang địa phương khác. Chính đặc tính truyền miệng đã làm nên nét độc đáo và giúp cho nền văn học dân tộc khởi nguồn từ rất sớm, khi chưa có sự trợ lưu từ chữ viết. Đồng thời cũng xuất phát từ tính truyền miệng nên văn học dân gian hiển nhiên có nhiều phiên bản, còn gọi là tính dị bản. Quá trình hình thành và phát triển của một tác phẩm văn học dân gian vô cùng tự nhiên và kéo dài không điểm cuối. Đầu tiên có một người khởi xướng, tác phẩm hình thành và được tập thể tiếp nhận. Sau đó những người khác tiếp tục lưu truyền và tiếp tục sáng tác lại làm cho tác phẩm biến đổi dần, hoàn thiện và phong phú thêm về nội dung cũng như hình thức nghệ thuật. Như vậy một tác phẩm văn học dân gian là một thực thể “sống”, nó liên tục “sinh sôi” và “phát triển” theo quan điểm và khả năng nghệ thuật của từng cá nhân, từng vùng miền và từng thời đại.
Tác phẩm dân gian nhiều khi không phải do một người sáng tác; có thể do một nhóm người, nhiều nhóm người "đồng tác giả”. Tác phẩm có thể được ra đời qua nhiều năm, mỗi người góp thêm một ít, qua năm tháng dày thêm. Cũng như các loại hình nghệ thuật dân gian khác, văn học dân gian được hình thành từ trong quần chúng nhân dân lao động, phản ánh các mặt đời sống xã hội, là tiếng nói của đại đa số quần chúng, phản ánh nguyện vọng của quần chúng. Do vậy, việc tôn trọng với văn bản gốc, tôn trọng cái kết quen thuộc từ trước tới nay, đó chính là sự tôn trọng vốn văn hóa truyền thống mà cha ông đã lưu lại trong các tác phẩm này. Do đó, khi nhìn nhận vấn đề, cần đặt nó vào trong cái tổng thể để xác định giá trị và hiểu hơn về vốn văn hóa của thời đại lúc đó. Ví dụ có ý kiến cho rằng truyện Tấm Cám không nên cho lưu truyền vì nó cổ vũ cho bạo lực, cho những âm mưu hãm hại nhau và trả thù một cách man rợ. Vấn đề là ta cần đặt nó trong bối cảnh sinh tồn, trong tầm nhận thức và tâm lý tiếp nhận của đại đa số quần chúng nhân dân trong nhiều thời kì trước.
2.3. Tác phẩm văn học dân gian có hình thức tồn tại, lưu tồn trong cuộc sống như một “cá thể sống” – mang đặc tính “sống”. Tác phẩm văn học dân gian không tồn tại trên các văn bản, các trang sách như văn học viết mà hiện hữu cùng đời sống qua hình thức diễn xướng. Diễn xướng là hình thức biểu hiện, trình bày các sáng tác dân gian bằng lời lẽ, âm thanh, điệu bộ, cử chỉ...; diễn xướng có sự biến đổi theo thời gian; cần phải linh hoạt khi tìm hiểu về diễn xướng và lưu ý đến tính ước lệ của thuật ngữ này. Theo đó, diễn xướng là cách thể hiện một năng lực (tiềm tàng) thành một hành động cụ thể. Hành động đó phải được người nghe chấp nhận, đánh giá và có thái độ tác động trở lại. Độ dài của câu chuyện được diễn xướng, không chỉ do trí nhớ của người kể mà còn do thái độ của tác giả. Những người tham gia vào sự kiện diễn xướng phải đóng một “vai” nào đó và có thể bổ sung cho nhau trong quá trình diễn xướng. Vì vậy để nghiên cứu tác phẩm văn học dân gian chúng ta không thể tách rời nó khỏi “môi trường sống” của nó bởi tách ra khỏi đó, tác phẩm văn học dân gian chỉ còn là “cái xác không hồn”. Nói cách khác, mỗi tác phẩm văn học dân gian lưu tồn trong một bối cảnh nhất định của nó. Muốn tiếp cận tác phẩm tất sẽ không thể tách rời bối cảnh đó. Phương pháp nghiên cứu văn học dân gian theo bối cảnh ra đời là vì thế.
3. Định hướng nghiên cứu Văn học dân gian trong bối cảnh
Quá trình nghiên cứu văn học dân gian từ trước đến nay ở nước ta vẫn còn quen đi theo lối mòn dựa vào những tư liệu đã in thành văn bản, lấy văn bản làm đối tượng chính để khảo sát. Những thành tựu đạt được theo hướng nghiên cứu này là không thể phủ nhận. Tuy nhiên nó vẫn bộc lộ nhiều khuyết thiếu đặc biệt là trong thời đại mới với đối tượng cũ như văn học dân gian. Bất cập nhất có thể kể đến là sự chênh lệch nhất định giữa tác phẩm văn học dân gian trên văn bản và đời sống thực tế của nó. “Hướng nghiên cứu những câu chuyện đang tồn tại qua tự liệu đã tỏ ra bất lực trước nhiều yếu tố bộn bề đầy sức sống của thực tiễn bao quanh những văn bản chỉ có con chữ gọn ghẽ, im lìm” (1). Bởi lẽ tác phẩm văn học dân gian không phải là sản phẩm văn hóa đã hoàn tất. Nó lưu tồn như một quá trình, liên tục biến thay, liên tục được “gọt giũa” bởi ý thức cộng đồng, xã hội. Nếu chỉ dựa trên văn bản tức là dựa trên một lần kể, một lần ghi, một khoảnh khắc nhất định để đánh giá, phẩm bình về cả quá trình quả thật có phần chưa thỏa đáng.
Cuối thế kỷ XX, những nhà nghiên cứu folklore ở Hoa Kỳ bắt đầu đưa ra hướng tiếp cận mới – xem folklore như một quá trình đã phần nào khỏa lấp được lỗ hổng trong các hướng nghiên cứu truyền thống. Theo hướng này, các nhà nghiên cứu đề xuất phương pháp nghiên cứu folklore từ bối cảnh diễn xướng (context). Từ việc xác định lại cách hiểu về bản chất tác phẩm văn học dân gian không phải là cái đã xong, Alan Dundes đã phân thành 3 lớp cấp cho bất kỳ thể loại folklore nào gồm: kết cấu (texture): phần ngôn ngữ, gồm cả cấu trúc trừu tượng chi phối, thường không thể dịch; văn bản (text): là một dị bản hoặc một lần kể duy nhất, có thể dịch và bối cảnh (context): là hoàn cảnh riêng mà trong đó một mục (tác phẩm) được sử dụng thực sự (2). Thêm vào đó là việc vận dụng lý thuyết tiếp cận tâm lý học hành vi vào nghiên cứu folklore cũng mang lạ nhiều bước tiến mới. Có trực tiếp tham dự, quan sát và ghi lại những phản ứng của người kể và người nghe trong những buổi kể chuyện thực tế thì người nghiên cứu mới có thể hiểu và lý giải được những biến đổi tâm lý, những ý nghĩa của những phản ứng từ phía khán giả lẫn người kể. Muốn vậy “phải xem tác phẩm văn học dân gian dưới góc độ hành động ngôn từ chứ không phải dừng lại ở quan niệm yếu tố ngôn ngữ thuần túy trong văn bản” (3). Phải coi văn bản chỉ là phần ngôn từ hóa của những cấu trúc bề sâu biểu trưng những góc độ tư duy của cả cộng đồng. Khi xét góc độ ngôn từ trong hoạt động thì tất nhiên phải xem xét đến tính chất diễn xướng nghệ thuật của ngôn từ đó. Đằng sau việc kể lại một câu chuyện còn họp tụ không ít các cơ chế chi phối đến sự hiện tồn của nó. Cụ thể nhất không chỉ bởi tài năng người kể, nội dung kể, tâm thế và trình độ của người được kể…mà còn là thời gian, địa điểm, thời đại…tóm lại là bối cảnh kể chuyện.
Để nghiên cứu văn học dân gian theo bối cảnh cần phải ghi- chép, mô tả kĩ quá trình kể một tác phẩm diễn ra như thế nào. Nội dung của tác phẩm đó được thể hiện ra sao, bố cục có thay đổi không, trình tự diễn ra theo các bước nào. Người kể đã dùng các “khoá” gì để thu hút sự chú ý ở người nghe. Việc sáng tạo ra các công cụ để ghi nhận quá trình diễn xướng phải được thực hiện thành một nội dung cụ thể. Đối tượng tham dự: là người trong một nhóm có quy mô nhỏ hay lớn, có quan hệ huyết thống hay không, giới tính nghề nghiệp của người nghe ra sao? Những phản ứng của người nghe, người xem trước người diễn xướng làm cho câu chuyện thay đổi thế nào? Những tác động có tính phản ứng về mặt tâm lí của người diễn xướng và người nghe khi có người khác tham gia vào quá trình kể chuyện có tác động thế nào đến kết cấu của câu chuyện họ đang kể. Bối cảnh: Cùng một câu chuyện nhưng nếu- diễn ra ở nhiều bối cảnh có khác nhau không? Bối cảnh nào làm cho câu chuyện sinh động và hấp dẫn nhất? bối cảnh nào phù hợp cho một thể loại nào đó nhất. Yếu tố nào trong bối cảnh quyết định sự thành công của việc kể chuyện. Những sự kiện nào là yếu tố rập khuôn cho bối cảnh. So sánh với kết cấu tác phẩm đã được văn bản hoá: Với ba yếu tố trên, kết cấu của một câu chuyện được diễn xướng đã thay đổi như thế nào so với câu chuyện đã được in trong văn bản và trở thành tư liệu. Yếu tố nào bị lược bỏ và vì sao, yếu tố nào được thêm vào và lí do. Hướng xử lí với những trường hợp tác phẩm đã không còn hiện diện trong đời sống nhưng vẫn còn trong tư liệu. Việc tìm hiểu quan niệm cách hiểu của chính người dân về tác phẩm cũng là một nội dung quan trọng mà người nghiên cứu cần thực hiện. Để thâm nhập vào môi trường diễn xướng của một tiết mục folklore, người nghiên cứu phải nắm vững và kết hợp các phương pháp ghi chép và điền dã của nhân học văn hoá. Quá trình tham dự, sự hoà nhập, những trải nghiệm của người nghiên cứu vào những bối cảnh diễn ra hoạt động folklore sẽ là yếu tố cần thiết để chuyển tải những đặc điểm và giá trị của tác phẩm văn học dân gian trong bối cảnh thành một văn bản với đặc điểm của một quá trình.
Với hướng nghiên cứu này kết hợp với nghiên cứu văn bản sẽ mang lại cái nhìn bao quát, trọn vẹn về đời sống của folklore. Sẽ có thể tiếp cận được những thay đổi cả về chất lẫn lượng của những tác phẩm văn học dân gian đang sống trong đời sống so với những tác phẩm đã được in thành văn bản trên các kệ sách. Từ đó trả lại những giá trị vốn có cho folklore nói riêng và những giá trị văn hóa dân gian nói chung trong suốt quá trình lịch sử mỗi dân tộc.