Núi Sam có tên khác Vĩnh Tế Sơn hay Ngọc Lãnh Sơn cao 284 m có chu vi 5.200m, trước thuộc xã Vĩnh Tế, nay thuộc phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang, Việt Nam. Trên và quanh núi Sam có rất nhiều chùa miếu, trong đó nổi tiếng nhất là Miếu Bà chúa Xứ, Chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, Chùa Phước Điền (còn gọi Chùa Hang) là những hạng mục trong Khu di tích lịch sử – Văn hoá núi Sam đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam công nhận là di tích cấp Quốc gia.
Trước đây, núi Sam có nhiều cây phượng vĩ và huỳnh mai mọc từ các hốc núi. Vào mùa trổ bông, cảnh núi toàn một màu đỏ thắm rất tươi đẹp và rực rỡ.
Trên đỉnh, còn dấu tích một bệ đá, nơi tượng Bà Chúa Xứ Núi Sam ngự, trước khi được đem về miếu. Bệ đá có chiều ngang 1,60 m; dài 0,3 m, chính giữa có lỗ vuông cạnh 0,34 m, loại trầm tích thạch màu xanh đen, hạt nhuyễn. Gần tháp cao của Pháo Đài, cũng là nơi Trương Gia Mô (1866-1929), một nho sĩ của phong trào Duy Tân, đã gieo mình xuống vực sâu, tự kết liễu một cuộc đời bế tắc vào một đêm cuối năm 1929.
Trên và quanh núi Sam có rất nhiều chùa miếu, trong đó nổi tiếng nhất là Miếu Bà chúa Xứ, Chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, Chùa Phước Điền (còn gọi Chùa Hang) là những hạng mục trong Khu di tích lịch sử – Văn hoá núi Sam đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam công nhận là di tích cấp Quốc gia.
Đá ở núi Sam chủ yếu là đá hoa cương, nên từ năm 1890, người Pháp đã cho khai thác để làm đường. Sau năm 1975, để bảo vệ môi trường và cảnh quan du lịch, chính quyền tỉnh đã cấm việc khai thác đá.
Núi Sam là một điểm cao chiến lược. Ở đỉnh có thể quan sát, kiểm soát cả một vùng biên giới rộng lớn từ thành phố Châu Đốc đến tận tuyến Tịnh Biên, từ cánh đồng Bảy Núi qua huyện Châu Phú. Do vậy, trước 1975, trên đỉnh núi có một đồn lính, tên gọi là Pháo đài. Sau này, người ta đã cho xây dựng ở gần đó, một trạm tiếp sóng các đài thuộc Đài truyền hình Việt Nam.
Ngoài ra, bên chân núi còn có tuyến quốc lộ 91 chạy qua dài 8 km, thuận lợi cho việc giao thông và phát triển kinh tế vùng.