vote điểm giúp mình nhé
Cách bề mặt trái đất khoảng 10 đến 15km, ngay phía dưới tầng bình lưu là tầng ozone. Theo các nhà khoa học, cứ 10 triệu phân tử không khí, trung bình chỉ có ba phân tử ozone. Mặc dù không nhiều, nhưng chúng lại có đặc tính quý báu không có ở bất kỳ một chất khí nào khác trong khí quyển, đó là hấp thụ tia cực tím do bức xạ mặt trời phát ra. Độ dày mỏng của tầng ozone có thể thay đổi theo mùa hoặc vị trí địa lý, nhưng thông thường, nó giữ lại và hấp thụ tới 93 đến 99% tia bức xạ từ mặt trời, giúp bảo vệ các sinh vật đang sinh sống trên bề mặt trái đất.
Tia bức xạ UV mà mặt trời tỏa ra chia làm 3 loại: UV-A (có bước sóng từ 400 đến 315nm), UV-B (315-280nm), và UV-C (280-100 nm). Hầu hết tia UV-A đi xuyên qua lớp khí quyển và chiếu được tới bề mặt trái đất, nhưng chúng lại ít gây hại cho sinh vật nhất. UV-C và UV-B đều rất có hại cho con người. UV-B gây tác hại cho da và có thể gây tổn thương tế bào, dẫn đến ung thư da. Tuy nhiên, rất may mắn, nhờ có tầng ozone cản trở bức xạ mà phần lớn 2 loại tia có hại này bị giữ lại trên tầng khí quyển. Các nghiên cứu cho thấy, nhờ sự ngăn cản của tầng ozone, cường độ bức xạ UV-B trên bề mặt Trái đất trở nên yếu hơn tới 350 tỷ lần so với trên tầng khí quyển.
Với tác dụng quan trọng như thế, tầng ozone được xem là "tấm lá chắn" tự nhiên bảo vệ cho sự sống trên trái đất. Nếu tầng không khí này bị biến đổi hoặc suy giảm, loài người sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ nghiêm trọng từ tia UV, như bệnh ung thư da, đục thủy tinh thể ở mắt, giảm sản lượng lương thực, ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển và chuỗi thức ăn trên trái đất…
Trong quá trình phát triển, con người đã có nhiều phát minh ra máy móc, trang thiết bị, đồng thời thải ra khí quyển một lượng lớn hóa chất, trong đó có các chất làm suy giảm tầng ozone, khiến tầng ozone bị suy thoái.
Vào thập niên 60, các nhà khoa học phát hiện thấy sự gia tăng CFC hay chlorofluorocarbon trong khí quyển. Năm 1974, báo cáo khoa học đầu tiên dự báo về sự suy giảm tầng ozone được công bố trên tạp chí Nature. Ở những khu vực có đủ ánh sáng và nhiệt độ thấp, hợp chất này sẽ tạo thành những đám mây ở tầng bình lưu, bổ sung khối lượng lớn Clo vào khí quyển và tạo ra những lỗ thủng trên tầng ozone.
Năm 1987, lần đầu tiên các nhà khoa học phát hiện ra lỗ thủng tầng ozone xuất hiện ở Nam Cực và có nguy cơ lan rộng. Thông tin này làm chấn động dư luận toàn cầu, dấy lên những mối quan ngại sâu sắc về môi trường và sức khỏe con người. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn không dừng lại. Trong vòng 50 năm, lượng ozone trên khí quyển đã giảm đi khoảng 1%, gây ra không ít hiện tượng cực đoan như bão lụt, hạn hán, cháy rừng; làm mất cân bằng hệ sinh thái, giảm chất lượng không khí, gia tăng hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu, nóng lên toàn cầu. Sức khỏe con người cũng ngày càng suy giảm, do các tia cực tím - được chứng minh là một yếu tố tạo thành các khối u ác tính dẫn đến ung thư da, đã tăng vượt quá yêu cầu.
Từ đó, việc loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone, ứng phó và giảm nhẹ biến đổi khí hậu toàn cầu trở thành nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi hành động quyết liệt và khẩn cấp của toàn cầu.