Kinh tế Hàn Quốc là một nền kinh tế hỗn hợp phát triển cao[18][19][20] được đặc trưng bởi những tập đoàn sở hữu bởi các gia đình giàu có được gọi là Chaebol. Hàn Quốc là nền kinh tế lớn thứ 4 ở châu Á và thứ 10 thế giới theo GDP danh nghĩa. Đây là quốc gia nổi tiếng được nhiều người biết đến bởi tốc độ phát triển kinh tế thần kỳ từ một trong những nước nghèo nhất thế giới trở thành nước phát triển có thu nhập cao chỉ qua vài thế hệ. Sự phát triển vượt bậc này được ví như là Kỳ tích sông Hán[21] khi nó đã đưa Hàn Quốc sánh ngang với các quốc gia trong OECD và G20. Cho đến nay Hàn Quốc vẫn là một trong những quốc gia phát triển có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới kể từ sau cuộc Đại suy thoái.
Nhờ có một hệ thống giáo dục nghiêm ngặt giúp Hàn Quốc sở hữu một nhóm dân cư có học thức và năng động là nguyên nhân chủ yếu thúc đẩy sự bùng nổ của các ngành công nghệ cao đồng thời phát triển kinh tế nhanh chóng.[22] Hàn Quốc là nước hầu như không có tài nguyên thiên nhiên cùng với mật độ dân số cao đã cản trở sự gia tăng dân số liên tục cũng như sự hình thành một thị trường nội địa lớn. Để giải quyết được những hạn chế này, Hàn Quốc đã điều chỉnh chiến lược kinh tế hướng tới xuất khẩu. Năm 2019, Hàn Quốc là nước xuất khẩu lớn thứ 8 và cũng là nước nhập khẩu lớn thứ 8 trên thế giới. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc và Viện Nghiên cứu Phát triển Hàn Quốc chịu trách nhiệm công bố định kỳ các chỉ số quan trọng và xu hướng của nền kinh tế nước này.[23][24]
Các tổ chức tài chính nổi tiếng như Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã khen ngợi khả năng phục hồi của nền kinh tế Hàn Quốc trước các cuộc khủng hoảng kinh tế khác nhau. Họ viện dẫn những lợi thế kinh tế của nước này chính là lý do cho khả năng phục hồi bao gồm nợ công thấp và nguồn dự trữ tài khóa cao có thể nhanh chóng được huy động để giải quyết bất kỳ trường hợp khẩn cấp tài chính nào đã được dự đoán.[25] Các tổ chức tài chính khác như Ngân hàng Thế giới đã mô tả Hàn Quốc là một trong những nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất trong thế hệ tiếp theo cùng với nhóm BRICS và Indonesia.[26] Hàn Quốc là một trong số ít các quốc gia phát triển có thể tránh được sự suy thoái trong thời kỳ Đại suy thoái.[27] Tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này từng đạt 6,2% trong năm 2010, đây là một sự phục hồi mạnh mẽ so với năm 2008 và 2009 khi mà tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ lần lượt là 2,3% và 0,2% trong suốt thời kỳ Đại suy thoái. Nền kinh tế Hàn Quốc dần phục hồi trở lại với mức thặng dư tài khoản vãng lai kỷ lục 70,7 tỷ USD vào cuối năm 2013, tăng 47% so với năm 2012. Mức tăng trưởng này trái ngược hoàn toàn với những bất ổn kinh tế đang diễn ra trên toàn cầu. Điều này chủ yếu có được là nhờ việc quốc gia này đã tăng cường xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao.[28]
Bất chấp tiềm năng tăng trưởng cao của nền kinh tế Hàn Quốc với sự ổn định về mặt cấu trúc một cách rõ ràng, nước này vẫn gặp phải những thiệt hại liên tiếp về xếp hạng tín nhiệm trên thị trường chứng khoán do sự hiếu chiến của Bắc Triều Tiên trong thời kỳ mâu thuẫn quân sự sâu sắc. Sự hiếu chiến tái diễn có tác động tiêu cực đến thị trường tài chính Hàn Quốc.[29][30] Ngoài ra, sự thống trị của các Chaebol khiến nhiều người Hàn Quốc sợ rằng các tập đoàn này sẽ không ngừng tham nhũng và nâng tầm ảnh hưởng của mình đến hệ thống chính trị. Sự thống trị này khó có thể kéo dài và gây ra nguy cơ làm chậm quá trình chuyển đổi của nền kinh tế Hàn Quốc vì lợi ích của các thế hệ tương lai.[31][32][33]