Trong gia đình, người tôi yêu quý nhất chính là bà ngoại. Bà là người phụ nữ hiền hậu, luôn yêu thương con cháu.
Bà tôi mắt đã lòa, tay chân lập cập. Nhưng sớm nào tôi cũng thấy bà chống gậy đi dạo quanh nhà. Tôi hỏi thì mẹ nói bà năng tập thể dục, để chống chọi căn bệnh viêm khớp quái ác đã đeo đuổi suốt thời trẻ. Ba tôi thì nói khác, số bà là vậy, một đời vất vả, quần quặt với chuyện cửa nhà, bếp núc, rồi đến chuyện ruộng đồng, con cá, con tôm… Bây giờ già cả vẫn không quen ngồi một chỗ.
Tôi là con út trong nhà, nên được bà chiều nhất. Mỗi lần ba cầm cây roi lăm lăm khi biết tôi trốn học vì mê chơi. Tôi liền chạy đến bên bà để được bảo vệ. Bà ngăn ba, mắng tui vài câu, đánh nhẹ mấy cái vào mông rồi thôi. Vì thế mà tôi tránh được những trận đòn hết sức nghiêm khắc.
Năm tôi học lớp bốn, mắt bà trắng đục không nhìn thấy đường. Bác sĩ khuyên nên để bà đi mổ mắt. Bà đồng ý nhưng tôi thấy bà có vẻ lo lắng lắm. Mấy ngày trên giường bệnh chờ đến lượt mổ cả nhà tui luôn túc trực bên bà. Có hôm ba mẹ bận việc chỉ còn mình tôi với bà, tôi nằm gọn trong vòng tay nhăn nheo của bà để được nũng nịu và được nghe kể chuyện đời xưa.
Bà hay nói với tôi: “Bà mổ mắt để được nhìn rõ cu Bi của bà”. Tôi lại chạy đến ôm lấy bà. Vậy mà không hiểu sao có lần tôi lại bật ra câu hỏi ngô nghê: “Lỡ mắt bà không sáng được nữa thì sao?” Bà vuốt nhẹ đôi gò má múp míp của tôi, cười móm mém: “Thì con sẽ là đôi mắt của bà, bé ạ!”
Ca mổ thành công nhưng vài năm sau thì bà mất. Cho đến khi trưởng thành tôi vẫn không sao quên được bóng dáng và những ký ức thân thương về bà. Tui luôn gắng giữ gìn và trui rèn cho mình một đôi mắt “sáng”, tràn đầy lạc quan và tin yêu trước cuộc đời, trước mọi người, trước những ánh nhìn…Tất cả là những bài học vô giá mà tôi thấm thía một cách lặng lẽ từ bà trong những ngày bà nằm viện.
Tôi sẽ vì bà, vì bản thân tôi mà sống thật tốt. Cũng như để xứng đáng và khắc ghi mãi mãi trọn vẹn lời giao ước: Con sẽ là đôi mắt của bà…