Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Ở ta, trong bối cảnh xã hội Việt Nam, từ đầu thế kỷ XX, dưới ách thống trị của chủ nghĩa thực dân Pháp, nước ta đi vào con đường phát triển của chủ nghĩa tư bản, thì trong văn học, song song với sự ra đời của các thể tài thuộc văn học Việt Nam hiện đại: thơ mới, truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch nói, lý luận – phê bình, từ đầu thập niên 40 của thế kỷ XX, đã ra đời hồi ký văn học, được đánh dấu bằng sự xuất hiện của Những ngày thơ ấu (1941, Nguyên Hồng), và Cai(1944, Vũ Bằng).
Trong lý luận văn học hiện đại, người ta phân biệt đặc trưng tư duy văn học ký (hồi ký văn học), với tư duy văn học sáng tạo (truyện ngắn, tiểu thuyết…) ở tính chất loại biệt trong cấu tạo hình tượng của chúng. Nếu hình tượng của loại thể văn học ký thuộc loại hình tượng ghi chép sự thật (faktographya) thì hình tượng của loại thể văn học sáng tác thuộc loại hình tượng nghệ thuật (tiếng Nga khudojestvennyi obraz).
Thông thường, hình tượng ghi chép sự thật được tạo dựng nhằm ghi lại, tái hiện lại những sự kiện của đời sống xã hội, sinh hoạt gia đình và đời tư có ý nghĩa quan trọng đối với từng con người nhất định. Các tác giả khi xây dựng các hình tượng ghi chép sự thật để ghi nhớ các sự kiện khách quan của đời sống xã hội, gia đình đã in dấu vào đời tư của từng cá thể con người như thế nào. Các hình tượng đó đều xuất phát từ những cái có thật mà người ta đã chứng kiến, trải nghiệm, sống với nó và suy nghĩ về nó – nay được hồi tưởng lại để giúp vào việc tri nhận lại về cái cá biệt đã xảy ra, không lặp lại của thực tại, chứ không nhằm đề xuất một khái quát chung nào cả. Hình tượng ghi chép sự thật có ý nghĩa bởi nó duy nhất chỉ truyền đạt những thông tin có thật về những sự kiện, con người đã xảy ra vào lúc nào đó, tại một địa điểm nhất định, xác thực. Nó là bằng chứng có một không hai về những việc thật, người thật, bảo đảm tính xác thực khi truyền đạt các chi tiết cá biệt thuộc về chúng, về đạo lý; người viết không được phép biến đổi, xuyên tạc hay bịa đặt chúng. Tất nhiên, người viết có thể biểu thị thái độ đối với các sự kiện, nhân vật được miêu tả bằng cách lựa chọn và nhấn mạnh những khía cạnh có ý nghĩa quan trọng đối với họ.
Như vậy, các hình tượng ghi chép sự thật của loại thể văn học ký chỉ tái hiện các hiện tượng đáng kể của đời sống trong chừng mực tính cá biệt đặc sắc của chúng là có ý nghĩa; trình bày chúng đúng như chúng vốn có trong hiện thực. Tuyệt nhiên, trong khi xây dựng loại hình tượng ghi chép sự thật này thì sự tưởng tượng, sáng tạo thêm của tác giả không được phép sử dụng, phát huy để có một vai trò đáng kể nào.
Khác với hình tượng ghi chép sự thật, hình tượng nghệ thuật là sản phẩm của tư duy sáng tạo và hư cấu nghệ thuật của người nghệ sỹ, chúng là những điển hình nghệ thuật được nhào nặn, trong đó kết hợp một cách nổi bật những cái riêng, cá biệt rải rác của đời sống với những cái mang thuộc tính chung, khái quát bản chất, bằng cách cường điệu, tô đậm, hư cấu thêm.
Hình tượng nghệ thuật, qua dụng công của nghệ sỹ, là sự điển hình hóa cuộc sống một cách có chủ đích, sáng tạo , giàu sức biểu hiện cảm xúc và tìm tòi để chứa đựng các khái quát hóa đời sống trong bản thân nó – chúng là phương tiện kiến tạo cơ bản, độc lập, duy nhất để biểu hiện các giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.
Hình tượng nghệ thuật trong các thể loại văn học sáng tạo (như truyện ngắn, tiểu thuyết…) có nguồn gốc từ đời sống hiện thực, nhưng nó không đồng nhất với hiện thực, không phải là sự ghi chép sự thật y xì; nó là kết quả của một quá trình thai nghén, hư cấu và sáng tạo, thăng hoa của nghệ sĩ, giúp vào việc tri nhận từ gốc rễ hiện thực và con người một cách sâu sắc, khám phá những tầng vỉa còn tiềm ẩn không cùng của đời sống và tâm hồn con người.
Tóm lại, giữa tác phẩm của thể loại văn học ký (với hình tượng ghi chép sự thật) với tác phẩm của thể loại văn học sáng tạo (với hình tượng nghệ thuật) có khác biệt cơ bản về phương thức tư duy hình tượng và các biện pháp nghệ thuật được sử dụng, tuy nhiên, sự tồn tại song song của các thể loại văn học này góp phần làm phong phú đa dạng các phương cách nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu nhiều mặt, muôn vẻ của con người trong nhận thức đời sống và cảm nhận thẩm mỹ.
Có thể nói, trong khi tôn trọng cái có thật, cái tôi riêng tư khác lạ, độc đáo, cá biệt chứa đựng nhiều ý nghĩa dồi dào thuộc về mỹ học của cái khác lạ, hình tượng ghi chép sự thật của thể loại ký rất cần cho sự nhận chân, đối sánh, đối thoại trong tự nhận thức (bao gồm cả sự phản tỉnh, sám hối) của con người, thì hình tượng nghệ thuật của các thể loại sáng tạo, tuy ít nhiều bắt nguồn từ đời sống, nhưng đã được làm mới, chưng cất, hư cấu, điển hình hóa, chúng là mỹ học sáng tạo, gắn kết làm một thể thống nhất cái chung, khái quát với cái riêng, cá biệt, nhằm phát hiện khám phá những gì thuộc về căn cốt của đời sống và con người
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |