Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
Bẽ bàng mùa xuân đến muộn. Khi cái nắng đã chao chát trên những lộc non báo hiệu mùa hè, chẳng hiểu vì sao lòng người bỗng rộn ràng đến thế. Òa thức cùng với xôn xao lá cành.
Chín cây bồ đề trên đường Trần Nhân Tông làm thành một khoảng trời trong veo màu thạch lựu. Những chiếc lá non đu đưa trong gió tưởng như có tiếng chuông chùa huyền hoặc vọng về từ cõi thanh cao u tịch. Những đứa trẻ tan trường ríu rít dưới gốc cây như những thiên thần bước ra từ lá. Nhiều người Hà Nội chẳng có việc gì cũng vòng xe qua đoạn phố đông mà chật chội, mà hỗn hào đi đứng này chỉ để ngắm nhìn một chút sắc lá ngọt ngào như mật chảy tháng giêng.
Nhìn chung thì vòng đời của một chiếc lá bồ đề dù được mọc ra từ Hà Nội hay ở nơi phật tổ Thích Ca Mầu Ni thuyết pháp cũng chỉ kéo dài không đến một năm. Có rất nhiều loài cây trong phố có một vòng đời như vậy. Và hình như đó cũng là một đặc trưng của cây Hà Nội. Làm nên mùa lá rụng kéo dài suốt từ thu sang đông. Nó làm cho người đi xa nhớ về và người Hà Nội thì tha thiết đợi chờ những khoảnh khắc nghỉ ngơi thần trí trong cái biển người chộn rộn áo cơm này.
Cô em gái của tôi sống xa Tổ quốc đã hai chục năm có lẻ. Mỗi lần gọi điện về nó lại hỏi con đường ven Hồ Gươm mùa này lá đã rụng? Lạ thế! Mùa nào cũng hỏi như vậy. Làm cho người ở nhà thấy thương. Cứ trả lời bừa rằng đang ngổn ngang vàng rượi sắc lá ven hồ. Lá của những cây sấu cổ thụ ở phía đường Đinh Tiên Hoàng. Lá bằng lăng, lá bàng đỏ chói trên đường Lê Thái Tổ. Thực ra thì chưa bao giờ những loại lá ấy rụng cùng một lúc với nhau. Cây cơm nguội vàng và cây bàng lá đỏ…nhiều khi rụng lá cách nhau cả đến…một mùa thu!
Những tưởng vô duyên đến như cây xà cừ là cùng. Cứ như người đàn bà phổng phao nhạt hoét. Chỉ được mỗi ưu điểm về kích thước. Và cũng lại là nhược điểm. Mùa mưa bão rất mất công cắt tỉa bớt cành phòng khi bị đổ. Nhưng không hẳn thế. Thân hình cường tráng và lá cành rậm rạp đến thế của cây lại vô cùng yếu mềm trước một heo may đến sớm. Ngập cả lối đi những lá xanh chen lẫn lá vàng làm nên một mùa thu quyến rũ từng bước chân người.
Đã có vài người áy náy thốt lên rằng cây Hà Nội không được con người ưu ái lắm. Bằng chứng là những thân cây u sần mấu cục đầy thương tích do con người gây nên? Nhưng sẽ thật là kỳ khôi nếu như những gốc sấu già Hà Nội lại nhẵn nhụi như những cây chò chỉ trên đường Hùng Vương? Hơn ba mươi năm vẫn khẳng khiu thẳng tắp như sợi chỉ. Và lá rụng không theo mùa. Từng chiếc to tướng như cái quạt nan hồi hộp nằm chiếm chỗ trên mặt đất làm người ta nhầm lẫn về kích thước một con đường lớn. Đó là loài cây của đại ngàn. Không phục tùng ý chí của con người.
Miên man trong cõi lá mùa xuân thành phố, gương mặt ai ai cũng như có phần trẻ lại. Hay tự nhận rằng mình như thế?
(Trích “Cõi lá” Đỗ Phấn)
1. Theo em văn bản trên thuộc thể loại gì? Vì sao?
2. Mùa lá rụng của Hà Nội có gì đặc biệt?
3. Trong văn bản, tác giả có nhắc đến những địa điểm nào ở Hà Nội? Những địa điểm đó thể hiện đặc trưng nào của thể loại mà em đã xác định trong câu 1?
4. Em hiểu như thế nào về câu văn: Bằng chứng là những thân cây u sần mấu cục đầy thương tích do con người gây nên?
5. Cảm nhận của em về mùa lá rụng của Hà Nội. (Trình bày khoảng 5 câu)
Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |