Ta là Lang Liêu, con trai thứ mười tám của vua Hùng, chính ta là người đã sáng tạo ra bánh Chưng và bánh Giầy mà ngày nay người dân coi đó là hai loại bánh cổ truyền của dân tộc. Hôm nay ta sẽ kể lại cho mọi người về sự ra đời của hai loại bánh này.
Vua cha ta đã có tuổi, muốn truyền lại ngôi vị nhưng vì ta có đến hai mươi anh em trai nên vua cha không biết chọn ai cho xứng đáng. Không biết nên làm thế nào, vua cha liền gọi tất cả anh em ta lại rồi nói:
- "Nhờ phúc của Tiên vương ta đã nhiều lần đánh đuổi giặc Ân xâm lấn, nhưng ta già rồi, không sống mãi ở đời được, người nối ngôi ta phải nối được chí ta, không nhất thiết phải là con trưởng. Nhân lễ Tiên vương, ai làm vừa ý ta, ta sẽ truyền ngôi cho".
Tất cả anh em của ta ai cũng đều mong muốn có được ngôi báu nên dốc lòng làm vừa ý vua cha, ta cũng rất muốn làm được gì đó vừa ý nhưng thật đáng buồn vì mẹ ta trước kia luôn bị vua cha ghẻ lạnh, đã chết vì ốm, so với tất cả anh em, ta là người thiệt thòi nhất. Từ khi ta lớn lên đã ra ở riêng chăm lo việc đồng áng, ruộng lúa, không hề biết đến quan trường, kẻ hầu người hạ là gì. Nghĩ đến làm món ăn ngon nhưng trong nhà chỉ toàn khoai và lúa, mà khoai lúa thì lại quá tầm thường, ta vô cùng phiền lòng và lo lắng. Bỗng, một đêm ta mộng thấy một vị thần đến mách bảo:
- "Trong trời đất, không có gì quý bằng hạt gạo, hạt gạo nuôi sống con người và ăn không bao giờ chán, lại tự mình trồng cấy được không như những của ngon hiếm lạ khác, nên hãy lấy gạo làm bánh lễ Tiên vương"
Nghe thần mách bảo như vậy ta mới thấu hiểu giá trị hạt gạo biết bao, ta mừng vì đã nghĩ ra một món ăn ý nghĩa và giá trị, rồi ta bắt tay vào việc làm bánh từ gạo. Ta tận tay chọn từng gạo hạt nếp thơm lừng, trắng tinh, tròn mẩy, đem vo cho thật sạch rồi lấy đậu xanh và thịt lợn làm nhân bánh, phần bên ngoài, ta dùng ngay lá dong trong vườn rồi gói thành hình vuông thật ngay ngắn, xong xuôi cho vào nồi nước nấu sôi suốt một ngày một đêm cho thật nhừ. Tiếp theo, cũng loại gạo nếp, nhưng ta chọn cách đồ gạo lên cho thật dẻo rồi giã nhuyễn và nặn thành hình tròn. Đã hoàn thành vật phẩm của mình, ta rất hồi hộp chờ đến ngày dâng lên lễ Tiên vương, cuối cùng ngày đó cũng đến. Quả thực các anh em của ta ai cũng dâng lên toàn sơn hào hải vị, nem công chả phượng, chẳng thiếu của ngon vật lạ gì, vua cha đi xem của các anh em rồi bỗng dừng lại trước chồng bánh của ta, rồi bỗng vua cha gọi ta lên hỏi. Khi được hỏi về nguyên do lại làm món ăn này, ta đã đem câu chuyện mộng thấy thần mách bảo kể lại cho vua nghe, vua cha nghe xong ngẫm nghĩ hồi lâu rồi quyết định đem hai món bánh của ta làm lễ vật tế Trời, Đất cùng Tiên vương. Ta rất vui mừng và bất ngờ vì món bánh của mình lại vượt qua được tất cả sơn hào hải vị kia, việc chọn bánh của ta cũng đồng nghĩa với việc vua cha sẽ chọn ta là người truyền ngôi. Lúc thưởng thức bánh cùng quần thần, vua cha đã đặt tên cho hai loại bánh và ra lệnh truyền ngôi:
- "Bánh hình tròn tượng trưng cho Trời, đặt tên là bánh Giầy. Bánh hình vuông tượng trưng cho Đất, các thứ thịt mỡ, đậu xanh và lá dong làm nên bánh tượng trưng cho cầm thú, cây cỏ muôn loài, đặt tên là bánh Chưng. Lá bọc ngoài còn mĩ vị để trong là ngụ ý đùm bọc nhau. Lang Liêu đã dâng lễ vật hợp ý ta, ta sẽ truyền ngôi cho Lang Liêu."
Như vậy, ta đã dùng chính sản vật của mình làm ra và bằng sự sáng tạo, công sức của mình làm nên hai loại bánh. Hiểu được ý nghĩa của hạt gạo cũng như ý nghĩa tượng trưng của bánh Chưng và bánh Giầy nên từ đó nước ta đã chú trọng hơn vào trồng trọt chăn nuôi, mỗi năm đến ngày Tết lại có tục làm bánh Chưng, bánh Giầy.