Ngày nay, xã hội ngày càng phát triển, đời sống tinh thần con người cũng dần được nâng cao. Các giá trị văn hóa văn học càng được trân trọng. Song, nhiều người cũng đang dần lãng quên vai trò đích thực của văn học trong đời sống, đặc biệt là học sinh. Nếu như yêu cầu kiến thức của các môn tự nhiên toán, lý, hoá ngày càng cao thì câu hỏi của bao học sinh "Học văn để làm gì trong xã hội hiện đại?" được đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết. Đây thật sự là một vấn đề cần được suy nghĩ và bàn bạc thấu đáo.
Trước hết ta hiểu, học văn bao gốm việc tìm hiểu về nhiều lĩnh vực khác nhau, song về cơ bản vẫn là học về ngôn ngữ, tiếng nói, văn chương của Tiếng Việt. Thông qua đó, ta học cách để nói, viết, để xây dựng ngôn ngữ diễn đạt riêng cho bản thân sao cho phù hợp với cấu trúc ngữ pháp cũng như văn hoá Tiếng Việt. Nhìn chung, tất cả đều nhằm đáp ứng nhu cầu giao tiếp hằng ngày của chúng ta. Song, học văn đâu chỉ học những con chữ, mà qua đó, ta còn được học về văn hoá, tình cảm, tư duy nghệ thuật của nhân loại thông qua những tác phẩm văn chương đặc sắc. Gần gũi hơn với đời sống, học văn là cách học diễn đạt trôi chảy ý nghĩ của bản thân, tạo nên những câu nói đẹp, những bài luận sắc sảo.
Có thể nói, thông qua văn học, ta tích luỹ được vô vàn những tri thức quý giá cho bản thân. Văn học giúp ta hiểu thêm về văn hoá, con người, lịch sử tồn tại và phát triển của nhân loại. Không một thước đo thời gian nào có thể chính xác và sắc nét như văn học. Qua những "đứa con tinh thần" của nhà văn, nhà thơ, bức tranh cuộc sống, con người lao động, đấu tranh,... của cha anh như một thước phim sinh động được tái hiện trở lại, chuẩn xác mà không khô khan, tẻ nhạt! Học văn để biết về hiện thực xã hội ngày xưa, ngày nay, tốt, xấu, giàu, đẹp,... qua thái độ và quan điểm nhân văn của tác giả. Ai đó đã từng nói: "Học văn là học nhân, văn học là nhân học" bởi lẽ thông qua việc học văn, ta học cách làm người, học cách sẻ chia, yêu thương, đau xót cho những nỗi thống khổ của con người. Có thể nói, văn học là "bách khoa toàn thư" về vô vàn những cung bậc cảm xúc của con người: hỉ, nộ, ái ố,... tất cả đều sinh động và chân thực đến kì lạ! Do đó, tâm hồn, cuộc sống của ta sẽ thêm chân thành, tình cảm; óc tư duy, tưởng tượng cũng dần phong phú. Học văn tốt, vốn từ của bản thân cũng dần trôi chảy, linh hoạt, diễn đạt vấn đề khi học các môn tự nhiên cũng theo đó mà được cải thiện. Văn - toán thoạt đầu như trái nghịch nhau nhưng thật sự nó lại hỗ tương cho nhau rất nhiều, giúp ta phát triển trí tuệ, tâm hồn một cách toàn diện và cân đối.
Thật vậy, cho dù ở bất kì một xã hội nào thì việc học văn cũng đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống. Nếu như ở xã hội cổ truyền, trải qua hơn một ngàn năm phong kiến, thước đo trình độ, học vấn của một con người luôn là văn hay, chữ tốt, lấy văn làm môn thi để tuyển chọn nhân tài cho đất nước qua những tấm gương sáng như Cao Bá Quát, Nguyễn Hiền,... thì ngày nay, ở xã hội hiện đại, học văn vẫn duy trì vẹn nguyên giá trị cao quý của nó. Không quá khó để tiếp xúc với văn học, bởi lẽ nó tồn tại song song và gắn liền mật thiết với xã hội như báo chí, sách vở,... Một xã hội tiến bộ văn minh thì phải có những con người thông minh, lịch thiệp, có phong cách, đạo đức và biết cư xử tốt với mọi người.
Học văn tốt chính là chìa khoá vàng để đạt tới thành công. Nó sẽ giúp ta sử dụng thành thạo tiếng mẹ đẻ, tạo điều kiện thuận lợi trong học tập cũng như trong sinh hoạt, làm việc. Năng lực viết văn ngày càng cần thiết cho cuộc sống của mỗi con người. Bởi trên thực tế, ngành nào, lĩnh vực nào cũng đòi hỏi người đọc thông viết thạo, hay từ các văn bản thủ tục hành chính đến lĩnh vực kinh tế, chính trị xã hội, bài luận tốt nghiệp. Đó chính là điều kiện để rèn luyện kĩ năng giao tiếp ứng xử, đồng thời bồi đắp lí tưởng thẩm mĩ của văn học. Văn học vừa là môn học cơ sở giúp ta học tốt các môn khác, vừa là môn học giúp giáo dục tư tưởng, tình cảm con người, là môn học là đẹp tâm hồn. Nhất là trong xã hội bận rộn và ồn ào ngày nay, nhịp sống tất bật, hối hả đôi khi làm chúng ta quên đi những giá trị sống đích thực để làm người. Đọc một bài thơ, lắng nghe một bài văn, chiêm nghiệm và sống chậm để trân trọng từng giây phút đẹp đẽ trôi qua trong cuộc đời. Tìm hiểu, đi sâu và lĩnh vực văn học, ta sẽ nâng cao được nhận thức, bồi dưỡng được tư tưởng tốt, tình cam đẹp và năng lực thẩm mĩ. Nếu xã hội hiện đại dường như ngày càng khiến con người dần xa cách thì học văn sẽ giúp ta bồi dượng "tình đời", làm cho tâm hồn tình cảm thêm phong phú, nhạy cảm, rung động trước cái đẹp, cái thiện, cái thực của cuộc đời.
Ngoài ra, văn học còn là lăng kính phản chiếu một cách sinh động hiện thực của cuộc sống. Thông qua việc học văn ta nhận thức được nhiều điều bổ ích về con người trong quá khứ cũng như hiện tại. Nếu như ở thời phong kiến mục rỗng, sự xa hoa, hưởng lạc vô độ của vua chúa - những điều mà ai cũng "mắt thấy tai nghe", song chỉ được nói lên qua ngòi bút của nhà văn, nhà thơ như tác phản "Thượng kinh kí sự" của Lê Hữu Trác thì ngày nay, những góc khuất u ám, nững hành động thối nát của xã hội đều thông qua văn học, qua báo chí mà được phơi bày, lên án một cách chân thực! Đâu chỉ có vậy, học văn còn là để đi tìm về với nguồn cội của dân tộc, đến với lịch sử hào hùng của cha anh. Đọc "Nam quốc sơn hà" để thêm yêu quý bờ cõi dân tộc, học "Bình Ngô đại cáo" để căm thù bọn giặc hung tàn, bồi đắp cho bản thân niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước con người, hay học "Tắt đèn" để khâm phục, để hiểu thêm về những con người Việt Nam chân chất, hiền lành dù sống trong tận cùng của khổ đâu. Tất cả đều giúp ta tạo nên sự cân đối trong việc phát triển trí tuệ, tài năng cũng như hình thành nhân cách con người. Vậy chẳng phải học văn trong xã hội hiện đại này là cần thiết lắm hay sao!
Việc học văn quả thật rất quan trọng, song văn học cũng như viên ngọc quý tiềm tàng mà không phải ai cũng nhìn thấy và biết trân trọng. Đâu đó vẫn còn nhiều bạn tỏ ra lơ là, không quan tạm đến việc học văn. Bạn say mê học toán? Bạn có mơ ước trở thành một nhà khoa học tài giỏi? Đó đều là những mơ ước chân chính và đáng trân trọng, nhất là trong xã hội "tên lửa" ngày nay. Song chỉ học toán mà không chú ý đến việc học văn thì bạn sẽ thành người khập khiễng trong sự hiểu biết và cả tâm hồn nữa! Học toán giỏi mà lại học tốt văn, cũng như thông minh, trí tuệ mà còn ăn nói lưu loát, tâm hồn thánh thiện thì bạn sẽ dễ thành đạt hơn. Ai dám bải chỉ cần học toán, lý, hoá,... giỏi thì có thể trở nên nổi tiếng và được kính trọng. Điển hình là thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký hay giáo sư Trần Văn Khê, nhờ vào tài năng văn chương xuất sắc cũng như khả năng ăn nói thuyết phục, học đã chạm tay đến thành công và được vô vàn người nể phục. Nếu cuộc sống của bạn chỉ có những con số khô khan thì chẳng phải nó sẽ tẻ nhạt và tâm hồn sẽ "khô héo" đến nhường nào. Vì vậy, ngay từ bây giờ, hãy ra sức học tập toàn diện cả toán lẫn văn, những môn tự nhiên lẫn xã hội, từ đó tạo cho mình một nền tảng kiến thức toàn diện và bền vững, cũng như xây dựng cho mình một nhân sinh quan tốt đẹp, có vậy khi đi sâu vào một ngành nào cũng dễ dàng nắm bắt. Hiểu được điều đó, bạn sẽ cảm thấy có hứng thú học tập văn tốt hơn và dần yêu thích nó.
Tóm lại, văn là một môn học không thế thiếu trong nhà trường. Để có thể dễ dàng thành công trong xã hội, bạn nhất định phải học văn thật nghiêm túc, đó sẽ là nền tảng vững chắc cho bạn trong tương lai. Bạn có tin một học sinh chuyên toán có thể đạt huy chương vàng môn văn trong kì thi Olympic khu vực? Tin hay không tuỳ bạn! Nhưng tôi đã làm được và tôi tin bạn cũng có thể, nếu bạn thật sự quyết tâm và cố gắng không ngừng nghỉ!