Chiến khu Việt Bắc, còn được gọi là Khu giải phóng Việt Bắc, từng là căn cứ địa lớn nhất của cách mạng Việt Nam thời kỳ cao trào kháng Nhật, cứu nước và chuẩn bị Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945.
Chiến khu Việt Bắc được xây dựng thành một căn cứ địa vững chắc về mọi mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, làm bàn đạp Nam tiến, giải phóng toàn quốc. Về chính trị, Ban chấp hành Việt Minh từ cấp xã đến tỉnh được hoàn thiện. Ủy ban chỉ huy lâm thời Chiến khu Việt Bắc thành lập chính quyền cách mạng tại các địa phương. Chính quyền cách mạng ngày càng lớn mạnh, lấn át chính quyền tay sai của phát xít nhật. Về quân sự, ủy ban quân sự các cấp được thành lập và đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Ủy ban chỉ huy lâm thời Khu giải phóng, có nhiệm vụ chỉ huy các trận chiến đấu chống Nhật, tiễu phỉ, trừ gian, mở rộng căn cứ địa; đồng thời xây dựng và phát triển lực lượng; chuẩn bị mọi mặt về quân sự cho khởi nghĩa từng phần, tiến tới tổng khởi nghĩa. Sau thắng lợi của trận Tam Đảo (16.7.1945), Chiến khu Việt Bắc không ngừng được mở rộng. Từ đây, các đơn vị giải phóng tiến sang các vùng lân cận. Từ Tân Trào liên lạc với an toàn khu của Ban Thường vụ Trung ương Đảng ở ngoại thành Hà Nội và vùng giáp ranh; liên lạc với Chiến khu Quang Trung, Chiến khu Trần Hưng Đạo. Tại Chiến khu Việt Bắc còn diễn ra một số hoạt động của quân Đồng minh (Mỹ), liên kết với Việt Minh đánh Nhật. Về kinh tế, chính quyền cách mạng vận động nhân dân tích cực sản xuất, thực hành tiết kiệm, ổn định đời sống. Tại các huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang); Chợ Đồn, Chợ Rã (Bắc Kạn); Định Hóa (Thái Nguyên)... tổ chức hợp tác xã mua bán, vận chuyển hàng hóa về xuôi và đưa muối, diêm lên phục vụ đồng bào. Về văn hóa xã hội, thực hiện chủ trương của Ủy ban chỉ huy lâm thời, Trường Cứu quốc sơ cấp và Trường Sư phạm được mở ở huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn). Các trường, lớp được mở ở xã cho con em các dân tộc đến học tập, xóa nạn mù chữ. Nếp sống mới được tuyên truyền, tổ chức rộng rãi. Toàn khu có các báo: Nước Nam mới, Quân giải phóng; các tỉnh Cao - Bắc - Lạng có tờ Việt Nam độc lập. Đồng thời, Ủy ban chỉ huy lâm thời chỉ đạo các đơn vị Việt Nam giải phóng quân cùng tự vệ, du kích tiến công địch ở nhiều nơi, mở rộng khu giải phóng. Ngày 13-15.8.1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào quyết định phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Ngay đêm 13.8, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc được thành lập, Tổng bí thư Trường Chinh, trực tiếp phụ trách ra Quân lệnh số 1, phát lệnh khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn quốc. Ngày 16.8, Quốc dân đại hội diễn ra ở Tân Trào, thống nhất chủ trương tổng khởi nghĩa của Trung ương Đảng, thông qua lệnh khởi nghĩa của Tổng bộ Việt Minh và 10 chính sách lớn của Việt Minh. Đại hội quy định quốc kỳ, quốc ca và cử ra Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam (Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa), do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm chủ tịch.