Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Theo China Briefing, trước đó, dự thảo luật sửa đổi đã thu hút được hơn 700.000 bình luận trong giai đoạn lấy ý kiến, khiến nó trở thành văn bản lập pháp được bình luận nhiều nhất trong những năm gần đây. Luật Bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ (sau đây được gọi là Luật Bảo vệ phụ nữ) từng được sửa đổi lần lượt vào năm 2005 và 2018, sau khi được ban hành lần đầu tiên vào năm 1992.
Những thay đổi chính trong Luật Bảo vệ phụ nữ mới của Trung Quốc có thể kể đến như:
Xóa bỏ phân biệt đối xử về giới trong quá trình tuyển dụng
Bất chấp nạn phân biệt giới tính bị lên án rộng rãi, tình trạng phân biệt giới tính trong các hoạt động tuyển dụng của Trung Quốc vẫn là chuyện vẫn thường xảy ra. Vì vậy, Luật Bảo vệ phụ nữ mới nỗ lực hơn nữa nhằm loại bỏ thành kiến về giới trong quá trình tuyển dụng.
Văn bản pháp lý này quy định danh sách các hành vi mà người sử dụng lao động không được thực hiện trong quá trình tuyển dụng, bao gồm:
Hạn chế lời mời làm việc cho nam giới hoặc quy định rằng nam giới sẽ được ưu tiên; Tìm hiểu hoặc điều tra tình trạng hôn nhân và thông tin con cái của phụ nữ xin việc; Yêu cầu thử thai như một mục kiểm tra sức khỏe đầu vào khi xin việc; Biến tình trạng kết hôn hoặc thai sản trở thành một điều kiện để tuyển dụng và sử dụng lao động; Từ chối tuyển dụng phụ nữ vì lý do giới tính hoặc nâng cao tiêu chuẩn cho quá trình tuyển dụng phụ nữ theo bất kỳ cách nào khác.
Ngoài ra, Luật Bảo vệ phụ nữ sửa đổi kết hợp phân biệt giới tính tại nơi làm việc vào phạm vi giám sát an ninh lao động. Nếu người sử dụng lao động vi phạm các quy định về bình đẳng giới, cơ quan quản lý nhân sự và an sinh xã hội sẽ yêu cầu người sử dụng lao động sửa chữa. Nếu người sử dụng lao động từ chối sửa chữa hoặc để xảy ra tình huống nghiêm trọng, họ sẽ bị phạt không dưới 10.000 Nhân dân tệ, nhưng không quá 50.000 Nhân dân tệ. Thông qua đó, các điều khoản liên quan đến không phân biệt đối xử trong luật mới được kỳ vọng sẽ được thực hiện tốt hơn trên thực tế.
Bảo vệ quyền thai sản của lao động nữ
Luật Bảo vệ phụ nữ mới quy định, “người sử dụng lao động không được, vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, cho con bú và các trường hợp khác, giảm tiền lương và phúc lợi của lao động nữ, hạn chế việc đề bạt, thăng chức, đánh giá và tuyển dụng lao động nữ vào các chức danh, chức vụ chuyên môn kỹ thuật, sa thải lao động nữ, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, dịch vụ”.
Trước đây, phiên bản năm 2018 của Luật Bảo vệ phụ nữ chỉ quy định rằng, “người sử dụng lao động không được vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, cho con bú và các trường hợp khác mà giảm lương của lao động nữ, sa thải lao động nữ và đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận dịch vụ".
Trong khi đó, luật mới là bước tiến lớn trong việc bảo vệ quyền thai sản của nhân viên nữ và giải quyết vấn đề bình đẳng giới trong các đánh giá hiệu suất lao động và thăng chức.
Bảo vệ phụ nữ khỏi hành vi quấy rối
Luật pháp Trung Quốc đặc biệt nghiêm cấm hành vi quấy rối tại nơi làm việc và Điều 1010 của Bộ luật Dân sự quy định, người sử dụng lao động phải thực hiện các bước hợp lý để ngăn chặn hành vi quấy rối tình dục và cung cấp các kênh khiếu nại thích hợp.
Luật Bảo vệ phụ nữ sửa đổi định nghĩa quấy rối tình dục là hình thức nhận xét bằng lời nói, ngôn ngữ viết, hình ảnh, hành vi thể chất hoặc các hành động khác chống lại ý muốn của phụ nữ.
Cụ thể, những phụ nữ là nạn nhân của quấy rối tình dục được khuyến khích: Khiếu nại với các đơn vị liên quan và các cơ quan nhà nước; Báo cáo vụ việc với cơ quan công an hoặc khởi kiện vụ án dân sự ra tòa án nhân dân, yêu cầu người gây án phải chịu trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật.
Mặt khác, Luật Bảo vệ phụ nữ mới nêu rõ, người sử dụng lao động có nghĩa vụ pháp lý thực hiện các biện pháp ngăn chặn quấy rối tình dục, bao gồm:
Xây dựng nội quy, quy chế nghiêm cấm quấy rối tình dục; Chỉ định bộ phận hoặc nhân sự chịu trách nhiệm; Thực hiện các hoạt động giáo dục, đào tạo về phòng ngừa và ngăn chặn quấy rối tình dục; Thực hiện các biện pháp bảo vệ và an ninh cần thiết; Thiết lập đường dây điện thoại, hộp thư khiếu nại… và không chặn các kênh khiếu nại: Thiết lập và cải tiến các thủ tục điều tra và xử lý, xử lý kịp thời các tranh chấp, bảo vệ quyền riêng tư và thông tin cá nhân của các bên liên quan.
Ngoài ra, người sử dụng lao động phải hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân nữ bảo vệ quyền của mình theo quy định của pháp luật và tư vấn tâm lý cho nạn nhân nữ khi cần thiết. Đồng thời, đưa ra các biện pháp hợp lý khác để ngăn ngừa và chấm dứt quấy rối tình dục.
Chưa hết, luật mới còn quy định, người sử dụng lao động có thể bị kiện hình sự nếu họ không thực hiện các biện pháp hợp lý để ngăn chặn và chấm dứt hành vi quấy rối tình dục và người chịu trách nhiệm trực tiếp lẫn những người chịu trách nhiệm pháp lý trực tiếp khác sẽ phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt đối với họ theo pháp luật.
Xét đến yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt về phòng, chống quấy rối tình dục theo Luật Bảo vệ phụ nữ mới và tác động lớn và tiêu cực có thể xảy ra của các vụ quấy rối tình dục đối với các doanh nghiệp, các chuyên gia cho rằng, người sử dụng lao động ở Trung Quốc phải xác định rõ những loại hành vi nào là không phù hợp, đồng thời thiết lập các quy định về chống quấy rối cũng như văn hóa công sở nghiêm ngặt cho doanh nghiệp của họ.
Bảo vệ quyền riêng tư và thông tin cá nhân của phụ nữ
Luật Bảo vệ phụ nữ sửa đổi mới của Trung Quốc cũng cung cấp khả năng bảo vệ mạnh mẽ hơn đối với quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân của phụ nữ. Điều 28 của luật quy định:
Bài đăng trên phương tiện truyền thông về các vụ việc liên quan đến phụ nữ phải khách quan, phù hợp và không được xâm phạm quyền và lợi ích cá nhân của phụ nữ; Không được phép hạ thấp phụ nữ thông qua các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các phương tiện khác; Không được sử dụng ảnh của phụ nữ khi chưa được sự đồng ý trong quảng cáo, nhãn hiệu, cửa sổ triển lãm, báo chí, tạp chí định kỳ, sách, sản phẩm nghe nhìn, ấn phẩm điện tử, mạng, …
Những phụ nữ là nạn nhân của những hành vi vi phạm nêu trên có quyền nộp đơn lên tòa án nhân dân để xin lệnh bảo vệ an toàn cá nhân.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy, sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động ở Trung Quốc đã giảm đáng kể trong 30 năm qua, giảm xuống 60,5% vào năm 2019 từ 73,2% vào năm 1990. Những cải cách kinh tế gây ra bất lợi cho phụ nữ, chẳng hạn như chênh lệch lương theo giới tăng lên, sự thiếu hụt các lựa chọn chăm sóc trẻ em và chăm sóc người già, và sự tái diễn của các định kiến cũ về lao động của phụ nữ, có thể đã góp phần gây ra điều này.
Chính vì vậy, trong những năm gần đây, đất nước gấu trúc luôn nỗ lực tăng cường sự tham gia của lao động nữ trong bối cảnh đất nước phải vật lộn để đối phó với vấn đề nhân khẩu học và làn sóng phản đối của công chúng về tình trạng bất bình đẳng giới. Năm 2021, Chính phủ Trung Quốc công bố kế hoạch 10 năm mới, Đề cương về sự phát triển của phụ nữ ở Trung Quốc (2021 - 2030), với trọng tâm là quyền việc làm. Tài liệu đề xuất 75 mục tiêu chính và 93 biện pháp hỗ trợ bao phủ trên nhiều lĩnh vực quan trọng như y tế, giáo dục và kinh tế.
Đề cương đề xuất, đến năm 2030, chính sách quốc gia cơ bản về bình đẳng giữa nam và nữ sẽ được thực hiện triệt để, đồng thời cơ chế thể chế nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và sự phát triển toàn diện của phụ nữ sẽ được đổi mới và cải thiện, như một phần trong nỗ lực chính của Chính phủ nhằm xóa bỏ phân biệt đối xử và cải thiện địa vị của phụ nữ ở Trung Quốc.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |