Việc tôn trọng con cái đúng cách không hề khó nhưng yêu cầu các bậc phụ huynh phải kiên nhẫn và biết giữ cái tôi của mình ở mức thấp nhất. Chẳng gì tệ hơn hai cái tôi quá lớn đi kèm với hai ý kiến trái ngược nhau. Nhiều bố mẹ nghĩ rằng “Mình sinh ra con, con làm gì cũng phải theo ý mình. Sai là cấm thôi, sao phải giải thích?” – Điều này rất phản khoa học. Dẫu biết bạn muốn tốt cho con nhưng việc quan tâm không đúng cách sẽ đem lại phản ứng ngược, mối quan hệ của cha mẹ và con cái đột nhiên căng thẳng, rạn nứt.
Chưa kể rằng, tâm lý của trẻ ở tuổi vị thành niên rất bất ổn và cái tôi muốn thể hiện mình quá lớn. Điều này khiến trẻ dễ dàng phản kháng lại tất cả những gì chống đối mình chỉ để khẳng định bản thân. Điều này có thể dẫn đến nhiều hậu quả cho sức khoẻ thể chất và tinh thần cũng như định hướng tương lai của con trẻ. Do đó, hãy cố gắng bình tĩnh và học cách kiềm chế cái tôi của bản thân khi nói chuyện với con để tránh những hệ luỵ không mong muốn.
Hãy đặt ra kỷ luật và nguyên tắc ứng xử trong gia đình để con không vi phạm những lễ giáo căn bản. Tuy nhiên, nghiêm khắc khác với độc tài. Khi cần, bạn vẫn nên lắng nghe quan điểm của con và xem xét, khuyên nhủ con thật công tâm. Đừng để con nghĩ rằng bố mẹ quá lớn tuổi và khác biệt thế hệ nên không thể nào hiểu mình, từ đó con có thể trở nên sống khép kín và tự ý quyết định các cuộc sống của bản thân mà không chia sẻ cùng gia đình.
Trong giai đoạn dậy thì, con sẽ rất nhạy cảm khi bị so sánh với ai đó hoặc với chính hình ảnh của bố mẹ trong quá khứ. Các bậc cha mẹ nên chú ý tránh việc làm tổn thương này. Khi so sánh, các bậc phụ huynh đã vô hình có những hành động ép con phải đạt đến hình mẫu mà bạn mong muốn. Điều này khiến con thu mình, khép kín và xa lánh bố mẹ hơn. Mỗi người đều có thế mạnh riêng, thế nên hãy tôn trọng và cùng con phát triển sự khác biệt của mình trở thành thế mạnh khẳng định bản thân.
Trong giai đoạn dậy thì, trẻ sẽ phát triển ý thức về cuộc sống riêng tư của mình hơn và có thể sẽ hạn chế quây quần cùng bố mẹ như ngày còn bé hay chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ của mình với các thành viên trong gia đình. Thay vì cố gắng để chạm đến thế giới riêng đó, các bậc phụ huynh hãy tôn trọng con bằng cách để cho con có những góc riêng tư của mình. Một vài hành động nhỏ như gõ cửa khi vào phòng con, xin phép khi sử dụng đồ của con, không trách móc khi con dành nhiều thời gian cho bạn bè hơn gia đình… có thể giúp con cảm nhận được mình đang được tôn trọng như một người trưởng thành.