cg. công xã láng giềng), cộng đồng xã hội hình thành vào giai đoạn cuối của chế độ công xã nguyên thuỷ, có khác là không dựa trên quan hệ huyết thống. Lúc đầu là CXNT sơ kì, với sự thống nhất các gia đình lớn, dựa trên cơ sở gần gũi về phổ hệ với người đứng đầu. Thủ lĩnh công xã và những người đứng đầu các gia đình lớn quản lí công xã cả về kinh tế, chính trị và quân sự. Ban đầu còn duy trì sở hữu công cộng về ruộng đất; về sau, ngày càng phát triển chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, sự bất bình đẳng về kinh tế tăng lên. Nhiều gia đình riêng rẽ có quyền thế hơn đã hình thành, lấy một số công cụ lao động và súc vật chăn nuôi làm của riêng, tổ chức sản xuất độc lập. Sản xuất cá thể dựa trên chế độ tư hữu nảy sinh, ngày một phát triển và chiếm dần địa vị thống trị trong CXNT. Tuy nhiên, toàn thể đất đai về danh nghĩa vẫn là tài sản chung của công xã, đều không được mua, bán; từng thời gian, công xã có quyền chia lại ruộng đất cho các gia đình hoặc thị tộc sử dụng riêng. Tàn dư của chế độ CXNT tồn tại khá lâu. Ở Việt Nam, trước Cách mạng tháng Tám (1945), trong khi ở miền núi, loại công xã này còn mang nhiều yếu tố nguyên thuỷ (vì vậy có người gọi đó là công xã láng giềng nguyên thuỷ), thì ở vùng đồng bằng đã có những nét tiêu biểu như định kì chia công điền công thổ, tình tương thân tương ái trong làng xã, thờ chung thành hoàng, vv.