Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Địa danh Đá Chông nằm ở nơi bắt nguồn, nơi tiếp nối của mạch nguồn lịch sử-văn hóa, bắt đầu từ thời đại Hùng Vương. Đứng trên núi tổ Ba Vì ta có thể thấy Đền Thượng, Đền Trung, Đền Hạ, phóng xa tầm mắt về phía Bắc là miền trung du đất tổ Vua Hùng, phía sau là đồng bằng Bắc bộ, Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến. Trên vùng đất địa linh nhân kiệt này có biết bao huyền thoại, tồn tại rất nhiều di chỉ khảo cổ, di tích lịch sử-văn hóa. Nơi đây có rất nhiều những tảng đá thon nhọn, tựa những mũi chông, ngọn mác mọc từ dưới đất lên, vì thế mà nhân dân địa phương gọi địa danh này là Đá Chông.
Trong những năm 1960-1969, tại nơi này, Bác Hồ và các đồng chí trong Bộ Chính trị đã có lần họp bàn, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, tiếp 2 đoàn khách quốc tế (tháng 3 năm 1961 tiếp bà Đặng Dĩnh Siêu, Trưởng đoàn đại biểu Phụ nữ Trung Quốc và tháng 2 năm 1962 tiếp Anh hùng vũ trụ Liên Xô Giéc man Ti tốp) và nhiều lần Bác lên nghỉ tại đây. Ngày 2 tháng 9, Bác Hồ qua đời. Thể theo nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đã quyết định giữ gìn lâu dài thi hài Bác. Từ cuối năm 1969, cuộc kháng chiến của nhân dân ta bước vào giai đoạn quyết định. Đề phòng chiến tranh có thể xảy ra trên phạm vi cả nước, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định tìm một vị trí thật yên tĩnh, bí mật, xa Hà Nội, thuận tiện cho di chuyển thi hài Bác khi chiến tranh lan rộng. K9 đã được quyết định chọn là nơi giữ gìn thi hài Bác. Ngày 10 tháng 9, một số cán bộ của Bộ Tư lệnh Công binh và Tiểu đoàn 144 có mặt tại K9 để khảo sát thiết kế, cải tạo lại công trình và nhận bàn giao lại toàn bộ khu vực do các đơn vị Công an vũ trang và Văn phòng Chủ tịch phủ giao lại. Ban đầu, Ban Chỉ đạo giữ gìn thi hài Bác định sử dụng ngôi nhà kính đã có sẵn để lắp đặt thiết bị máy móc phục vụ nhiệm vụ gìn giữ thi hài Bác ở ngay trên mặt đất. Nhưng về sau, Quân ủy Trung ương quyết định phải cải tạo cả hệ thống hầm ngầm để đưa thi hài Bác xuống khi chiến tranh có thể lan rộng tới khu vực này.
Trong điều kiện thi công khó khăn, phải bảo đảm bí mật, thời gian gấp nhưng lực lượng Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 259, Bộ Tư lệnh Công binh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ngày 15 tháng 12 năm 1969, công trình phục vụ nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác hoàn thành. K9 được đổi thành K84. Đoàn 69 (đơn vị tiền thân của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng) đã vinh dự được giao nhiệm vụ giữ gìn tuyệt đối và an toàn thi hài Bác tại K84. Sáng 24-12-1969, thi hài Bác được chuyển từ công trình 75A ở Thủ đô Hà Nội lên K84. Từ đó, K84 trở thành nơi giữ gìn thi hài Bác chủ yếu trong những năm tháng chiến tranh ác liệt.
Trong khu di tích có 3 chiếc xe: Xe UAZ cứu thương biển số FH-1468, xe Zin 157 biển số 470-189 cùng chiếc xe Páp biển số 31-162 là những "người bạn chiến đấu" thân thuộc đã cùng cán bộ, chiến sĩ Đoàn 69 (đơn vị tiền thân của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh) di chuyển thi hài Bác 6 lần vượt qua mọi địa hình thời tiết, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Ngày 18-7-1975, thi hài Bác được di chuyển về công trình Lăng của Người tại Ba Đình lịch sử. Sau khi thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh được đưa về Lăng của Người tại Ba Đình lịch sử. Nhiệm vụ bảo vệ, giữ gìn, tôn tạo Khu di tích được Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng giao cho cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ Đội 285 (tiền thân của Đoàn 285 hiện nay).
Thời gian qua, tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội thường xuyên đón nhiều Đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan, đoàn thể của Trung ương, đơn vị quân đội và nhân dân một số địa phương đến thăm khu di tích, tổ chức các hoạt động: Báo công dâng Bác, trao Huy hiệu Đảng, kết nạp Đảng, kết nạp Đoàn, trồng cây lưu niệm... để giáo dục truyền thống, giáo dục đạo đức và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |