CHÙA MỘT CỘT:
Chùa Một Cột gọi theo Hán Việt là Nhất Trụ tháp, còn có tên khác là Diên Hựu hoặc Liên Hoa Đài (đài hoa sen), là một ngôi chùa nằm giữa lòng thủ đô Hà Nội. Chùa nằm trên đất thôn Thanh Bảo, huyện Quảng Đức, phía Tây Hoàng thành Thăng Long thời Lý, nay thuộc phố Chùa Một Cột, quận Ba Đình – Hà Nội, ở bên phải lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất Việt Nam, Chùa Một Cột ngày nay có hình vuông mỗi chiều 3m, mái cong dựng trên cột đá hình trụ cao 4m (chưa kể phần chìm dưới đất) có đường kính là 1,2m. Trụ đá gồm 2 khối gắn rất khéo, thoạt nhìn như một khối đá liền. Sự độc đáo của Chùa Một Cột là toàn bộ ngôi chùa đặt trên một cột đá. Cùng với ao hình vuông phía dưới có thể là sự biểu tượng cho đất (trời tròn, đất vuông).
Tháng mười âm lịch năm Kỷ sửu (1049) vua Lý Thái Tông cho xây dựng chùa Một cột. Năm 1080, vua Lý Nhân Tông cho đúc chuông lớn để treo ở chùa gọi là “Giác Thế Chung” (chuông thức tỉnh đời người) và một tòa phương đình bằng đá xanh cao 8 trượng, nhưng vì chuông quá nặng không sao treo lên được, phải để dưới đất nên đánh không kêu, chỗ ruộng để chuông thấp, có nhiều rùa đến ở ,được gọi là ruộng Qui Điền và quả chuông cũng được gọi là chuông Qui Điền. Khi quân Minh bị bao vây ở Đông Quan, hết quân khí, Vương Thông đã cho phá quả chuông này để đúc súng đạn.
Qua văn bia miêu tả, Chùa Một Cột thời Lý to hơn chùa ngày nay nhiều. Chùa đã qua nhiều lần tu sửa. Năm 1954, trước khi rút khỏi Hà Nội, quân Pháp đã đặt mìn phá đổ chùa. Sau ngày tiếp quản thủ đô, Bộ Văn Hóa đã cho tu sửa Chùa Một Cột theo đúng kiểu mẫu cũ để lại từ thời Nguyễn. Chùa Một Cột đã được Bộ Văn Hóa xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật ngày 28 tháng 4 năm 1962.