Tệ nạn xã hội là một hiện tượng xã hội tiêu cực, biểu hiện bằng những hành vi sai lệch chuẩn mực xã hội, vi phạm đạo đức xã hội và có dấu hiệu vi phạm pháp luật gây hậu quả xấu đời sống xã hội.
Các tệ nạn xã hội có thể gây những tổn thương nghiêm trọng đối với sức khỏe của chính bản thân người tham gia (gây các bệnh về hệ hô hấp, hệ tim mạch, hệ thần kinh đối với người nghiện ma túy…); làm tha hóa về nhân cách, rối loạn về hành vi, rơi vào lối sống buông thả, dễ vi phạm pháp luật và phạm tội.
Đối với các gia đình có người thân tham gia các tệ nạn xã hội sẽ có thể bị khủng hoảng về mặt tài chính cũng như tinh thần. Ví dụ như tệ nạn cờ bạc sẽ làm phát sinh các mâu thuẫn trong quan hệ hôn nhân – gia đình của những người nghiện cờ bạc, gây sứt mẻ tình cảm, đổ vỡ niềm tin giữa vợ chồng và có thể dẫn tới tình trạng bạo lực gia đình.
Tệ nạn cờ bạc không những làm mất đi thời gian, tiền bạc của người lao động mà còn dẫn đến nhiều hệ lụy khác. Thực tế cho thấy, những người thường xuyên tham gia đánh bạc dễ rơi vào lối sống buông thả mất cân đối về kinh tế, nếu tham gia đánh bạc thắng số tiền cũng chỉ sử dụng cho mục đích cá nhân đáp ứng cho lối sống buông thả còn nếu thua dễ túng quẫn dẫn đến những vi phạm pháp luật.
‘Cờ bạc là bác thằng bần, đánh đề ra đề mà ở’, đối với nhiều trường hợp đã trở thành hiện thực các đối tượng tổ chức đánh bạc và tham gia đánh bạc đã vướng vào vòng lao lý. Những người nông dân ham lợi từ trò đỏ đen dẫn đến hết tiền, hết của, những chị me phụ nữ đánh bạc chơi đề dẫn đến mất hạnh phúc gia đình. Đó là những hậu quả nhãn tiền của những ai có ý định tham gia tệ nạn này.