Cùng với sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ngày 28/08/1945 Bác Hồ đã ký Sắc lệnh thành lập Nha Giao thông - Công chính, ngày nay là Bộ Giao thông - vận tải. Những ngày đầu khi mới thành lập nhiệm vụ chính của ngành Giao thông công chính giai đoạn này là tập trung củng cố những con đường vào An toàn khu, phục vụ cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Vì thời gian này Việt Bắc được chọn là căn cứ cách mạng – là đại bản doanh của cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Năm 1946 Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đã rút lên căn cứ địa Việt Bắc mà đại bản doanh là Thái Nguyên. Từ cuối năm 1946 đến trước thu đông 1947 Thái Nguyên nhộn nhịp người và phương tiện do các cơ quan đưa lên. “Địch sẽ tấn công lên Việt Bắc”. Đó là nhận định của Trung ương Đảng ta.
Nhiệm vụ của ngành giao thông lúc này là thực hiện chủ trương của trung ương “Tiêu thổ kháng chiến”, toàn tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện khẩu hiệu “Vườn không nhà trống”. Từ thị xã Thái Nguyên đến các địa phương nhân dân đã triệt để thực hiện “Tiêu thổ kháng chiến”, nhà cửa đánh sập, cầu cống phá hỏng, đường xá băm nát. Phá đường để cản bước tiến của giặc nhưng phải đảm bảo giao thông của ta, vì vậy công tác chuẩn bị đánh địch, sơ tán các cơ quan, mở đường vào các vùng sâu đảm bảo an toàn cho các cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến là những nhiệm vụ cực kỳ quan trọng. Ty giao thông Thái Nguyên đã làm tốt nhiệm vụ này, góp phần vào chiến thắng Thu Đông năm 1947 chính trên căn cứ địa Việt Bắc. Đó là những hình ảnh tiêu biểu của những ngày đầu toàn quốc kháng chiến trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kéo dài chín năm. Chín năm ấy Thái Nguyên luôn là an toàn khu của Trung ương và là nơi hội tụ các đầu mối giao thông và cũng là địa bàn các binh đoàn tỏa đi. Suốt thời gian chín năm, ngành giao thông vận tải dưới sự chỉ đạo của Khu ủy Việt Bắc đã chiến đấu, xây dựng đường sá, đảm bảo giao thông vận tải tiếp tế đầy đủ mọi yêu cầu của chiến dịch. Từ sau chiến thắng Thu Đông 1947, Thái Nguyên với vị trí An toàn khu, là đại bản doanh của cuộc kháng chiến nên công tác giao thông cực kỳ quan trọng. Trước đây ta phá đường thì nay ta đắp đường, mở thêm nhiều đường mới để giao thông liên lạc giữa các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn được thuận lợi, nhanh chóng. Đồng thời cũng từ đây, mọi phương tiện vận tải từ trung tâm cuộc kháng chiến tỏa đi phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Đông Xuân năm 1952, chiến dịch giải phóng Tây-Bắc.
Trong chiến dịch Tây-Bắc giao thông vận tải Thái Nguyên có hai nhiệm vụ: Một là tiếp tục củng cố hệ thống đường sá, trong đó hệ thống cầu phà được chú trọng đặc biệt; Hai là mở đường 13 Yên Bái-Khe Nhe. Để làm con đường này Thái Nguyên đã huy động 5.000 nhân công, bí mật thực hiện mở đường trong thời gian 9 ngày đã hoàn thành để tiếp nhận đoàn xe vào chiến dịch.
Bước sang đầu năm 1953 tỉnh mở thêm công trường liên huyện Võ Nhai – Phổ Yên. Phục hồi nền đường, rải đá, làm cầu và bến phà để nối với đường Lạng Sơn, Bắc Sơn từ Mỏ Gà (Thái Nguyên) qua Đình Cả - La Hiên – Linh Nham. Đây là tuyến đường mới từ biên giới về Thái Nguyên. Năm 1954, Bộ GTVT mở công trường làm đường lớn từ Lạng Sơn về Đình Cả - La Hiên đến Hóa Thượng – Sơn Cẩm và Hóa Thượng – Gia Bảy. Như vậy từ cuối năm 1952 mọi tuyến đường từ biên giới về đều tập trung tại Thái Nguyên. Từ Thái Nguyên tỏa đi phục vụ các hướng chiến dịch Đông Xuân 53-54.
Khi chúng ta bắt đầu chuẩn bị chiến dịch Điện Biên Phủ, GTVT thực sự là một chiến trường. Để chuẩn bị cho chiến dịch, GTVT Thái Nguyên có nhiệm vụ rất to lớn là cấp tốc nâng cấp tuyến đường Đèo Hanh – Trại Cau – Bờ Đậu... Cầu từ 4 tấn lên 12 tấn, mở rộng các đường cong bán kính 15m, mặt đường 4m50, trong khi đó thời gian lại rất gấp. Ngành giao thông phải huy động dân công ở các huyện, xã, cán bộ kỹ thuật làm việc suốt 7 ngày đêm thì hoàn thành theo đúng tiến độ thời gian mà không bị kẻ địch phát hiện. Tuyến đường này đã đưa đoàn pháo hạng nặng của ta vào chiến dịch Điện Biên Phủ. Những khẩu pháo nổ những phát kinh hoàng lên đầu kẻ địch, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.
Suốt chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, cán bộ công nhân ngành giao thông Thái Nguyên đã cùng nhân dân các dân tộc trong tỉnh đảm bảo giao thông thông suốt, liên tục, hoàn thành xuất sắc các chiến dịch giao thông trong chiến cuộc Đông Xuân 1950 – 1951 và đặc biệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ vĩ đại (1953 – 1954). Đó là những thành tích nổi bật và là niềm tự hào về truyền thống của ngành GTVT tỉnh Thái Nguyên trong giai đoạn này./.