Qua truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa”, Nguyễn Thành Long không chỉ phác nên vẻ đẹp của thiên nhiên Sa Pa mà còn khắc họa thành công vẻ đẹp của những con người hăng say làm việc cho đất nước. Âm thầm mà lặng lẽ, đó là anh thanh niên, anh cán bộ nghiên cứu sét, ông kĩ sư vườn rau Sa Pa. Anh thanh niên sống trên độ cao 2600m, bốn bề chỉ có cây cỏ và mây núi lạnh lẽo, công việc của anh là đo gió, đo mưa, đo nắng, đo chấn động mặt đất…. rồi ghi chép lại và báo về trung tâm, dựa vào việc báo trước thời tiết hàng ngày. Đây là một công việc đòi hỏi tính tỉ mỉ chính xác cao và có tinh thần trách nhiệm cao” nửa đêm đúng giờ ốp thì dù mưa tuyết giá lạnh thế nào cũng phải trở dậy làm việc đã quy định: ”4 giờ, 11 giờ, 7 giờ tối lại 1 giờ sáng” công việc đòi hỏi tính chính xác theo đúng thời gian lại rất gian khổ, anh phải đối chọi với thời tiết vô cùng khắc nghiệt, xách đèn ra vườn, gió tuyết và lặng im ở bên ngoài chỉ trực đợi mình ra là ào ào xông tới”. Khi được ông họa sĩ mời làm mẫu để vẽ, anh đã khiêm tốn từ chối vì có nhiều người xứng đáng hơn anh như anh cán bộ nghiên cứu bản đồ sét. Anh cán bộ cũng chăm chỉ, say mê lắm! Mười một năm không xa cơ quan một ngày, trán cứ hói dần, không có thời gian đi hỏi vợ nhưng bản đồ sét sắp hoàn thành, lúc ấy bao của chìm nông của chìm sâu khai thác được sẽ đem cống hiến cho đất nước. Không chỉ có thế hệ trẻ mới hăng say trong công việc mà những người tuổi đã cao như ông kĩ sư vườn rau Sa Pa cũng đem hết nhiệt huyết vào công việc nghiên cứu khoa học. Ngày ngày, ông quan sát ong thụ phấn rồi chính tay ông lai tạo ra giống su hào to hơn, ngon hơn cho nhân dân dùng. Chỉ là một anh thanh niên, một anh cán bộ, ông kĩ sư,… họ không cần ai biết đến tên tuổi, ngày ngày vẫn thầm lặng dâng cho đời những đóa hoa thơm. Một cuộc sống giản dị đem lại niềm vui đích thực cho mỗi con người như những âm vang trong lặng lẽ. Đẹp quá Sa Pa ơi!