"Sao anh lại đánh em thế này... đừng đánh em nữa anh ơi!"
Mới chiều hôm qua đây thôi, trên đường đi học về tôi gặp một cảnh tượng thật đau lòng, một người đàn ông đánh tới tấp vào mặt, lưng một người phụ nữ. Vừa cố chống chọi với cơn khát bạo hành của chồng, chị vừa khóc lóc van xin: "Sao anh lại đánh em thế này... đừng đánh em nữa anh ơi!". Tôi hơi sững người, nhưng cũng không lấy làm lạ vì đã từng chứng kiến cảnh như thế này nhiều lần. Ấy thế mà lâu nay tôi lại nghe người ta nói rằng: "Gia đình là nơi để yêu thương".
Đã trôi qua một khoảng thời gian khá dài tôi đã sống, đã làm, đã ra đi và tìm tòi những minh chứng cho điều mình nghe thấy. Thế rồi, lại đắng lòng biết mấy, khi tôi chợt nhận ra thời gian càng quay nhanh thì tình người cũng dần tan biến. Cuộc sống vô tâm làm nguội lạnh tình cảm trong trái tim mỗi người. Xã hội đổi thay và lòng người cũng dần thay đổi, mọi tính toán thiệt hơn trong cuộc sống làm mất đi những vẻ đẹp tự nhiên vốn có, hạnh phúc thì ít nhưng đắng cay lại nhiều, bao nhiêu mảnh đời bất hạnh vì cuộc sống gia đình không hòa thuận, thậm chí tan vỡ, và những hiểm nguy luôn rình rập. Tôi cười gượng: “Đấy! Một thảm họa hay nghịch cảnh trần gian?” Quá xót xa, tôi căm ghét và lên án những hành động tàn ác này - bạo lực gia đình.
Như chúng ta đã biết bạo lực là hành vi xấu gây tổn thương đến người khác bằng hành động hoặc lời nói. Bạo lực gia đình là ngược đãi, đánh đập, gây áp lực khiến những thành viên khác trong gia đình bị tổn thương về mặt tâm lý và sức khỏe. Không chỉ thế bạo lực gia đình còn được hiểu là sự xúc phạm, ép buộc và cưỡng chế những thành viên khác trong gia đình. Bạo lực gia đình khiến hạnh phúc tan vỡ, tổn thương về mặt tâm lý, tình cảm khiến cho những đứa trẻ trong gia đình ấy có thể bị ảnh hưởng xu hướng bạo lực từ gia đình.
Bạo lực gia đình là một hành vi cực kỳ xấu, khi nhắc đến bạo lực gia đình người ta thường nghĩ đến việc chồng đánh vợ, cha mẹ đánh con, và thậm chí còn có cả con cái bất hiếu đuổi cha mẹ, ngược đãi những người có công ơn sinh thành với mình. Nguyên nhân bạo lực gia đình thường xuất phát từ người đàn ông trong gia đình. Có thể anh ta vì những thú vui, vì bạn bè rủ rê mà sa vào tệ nạn xã hội, anh ta vướng mắc vào những trò vui thâu đêm, không quan tâm đến gia đình và con cái của mình. Nhưng chưa dừng lại ở đó người cha, người chồng vô tâm ấy còn vác về nhà một đống nợ nần. Người vợ ở nhà ngày đêm làm lụng nuôi con cái ăn học thế nhưng lại còn phải nuôi thêm cả cái miệng rượu, rồi dăm ba ngày lại có kẻ đến nhà dí dao vào cổ đòi nợ. Mặc cho có kiên cường có dũng cảm đến mấy nhưng họ cũng chỉ là những người phụ nữ, những người vợ chân yếu tay mềm, thử hỏi rơi vào cảnh ấy có ai là chịu nổi.
Người ta thường nói hạnh phúc phải được gây dựng từ hai phía, nhưng trong tình huống này thì người chống kia hoàn toàn vô dụng, tuyệt vọng chứ, đau đớn chứ, nhiều lúc muốn từ bỏ chứ thế nhưng thân là người vợ còn phải nghĩ đến cho con cái của mình nữa, còn phải lo cho mẹ già, cái xã hội bây giờ có biết bao nhiêu điều tiếng khiến cuộc đời người phụ nữ thêm khổ nhọc và họ chẳng thể quay mặt làm ngơ. Vậy là người vợ cứ sống nhưng trái tim đã chết, họ chẳng biết đến cái thứ gọi là hạnh phúc gia đình, bất mãn, mệt mỏi khiến họ lên tiếng, họ muốn chồng mình thay đổi, thế nhưng hắn ta đi uống rượu say về rồi không lời lẽ gì mà cứ lôi vợ ra mà đánh, hắn đày đọa vợ chỉ vì không đưa hắn đủ tiền uống rượu, hắn nhạo báng, phỉ nhổ người vợ duy nhất của mình vì ghen tị với vợ nhà hàng xóm. Những kẻ điên thì có bao giờ tự nhận mình là điên, thân là chồng, là đàn ông sức dài vai rộng trong nhà đáng lẽ phải chăm lo và kiếm tiền nuôi gia đình thế nhưng lại sa đọa vào tệ nạn để rồi tự tay hủy hoại đi hạnh phúc gia đình mình.
Nỗi đau ấy đâu chỉ có mình người vợ không khổ kia phải gánh chịu, trong nhà còn có con cái nhỏ tuổi, nhìn thấy cha đánh mẹ thường xuyên chúng sẽ tự nảy sinh suy nghĩ bạo lực là chuyện thường tình và sẽ dùng bạo lực để giải quyết vấn đề, vậy là tương lai của đứa nhỏ cũng đã định sẵn một kết cục giống bố nó. Cuộc sống sau này lại thêm nhiều tiếng thở dài. Rồi trong gia đình cũng có cha mẹ già, những người đứt ruột sinh ra con thì làm gì muốn con mình phạm sai lầm, làm gì có ai vô tâm để con mình tự tay hủy đi hạnh phúc đời nó. Vậy là họ lên tiếng, thế nhưng kẻ say, kẻ máu lạnh thì đau có thương tha cho một ai vậy là chúng vùng lên như những con thú nhằm áp đảo đối phương, chúng không để ai lên tiếng, chúng gào thét như những con thú dại rồi nhiều đứa con hỗn láo đánh đập cả cha mẹ mình.
Gần đây, nổi cộm trên các sách báo, các phương tiện thông tin đại chúng là các vụ thương tâm về bạo hành trẻ nhỏ khiến người xem không ngừng suy nghĩ. Cách đây vài ngày, dư luận người Việt không khỏi xôn xao và cảm thương cho cháu bé 15 tháng tuổi ở TP HCM bị chính cha mẹ mình đánh chấn thương sọ não. Một sự thật ngỡ ngàng khiến người xem bất bình khi thủ phạm lại quá thản nhiên cho rằng đó là “chuyện bình thường”. Tôi như nghẹn ứ lồng ngực khi nghe người mẹ trả lời câu hỏi của phóng viên nhà báo: “Nó bị té xe mà!”. Một lời nói lạnh lùng tới tận xương tủy, tôi tê buốt thân mình, đấy cũng gọi là mẹ sao? - người mang nặng chín tháng mười ngày, tôi tự hỏi. Hình như là tôi đang khóc, nhưng nước mắt tôi không rơi là vì tôi đang lo cho số phận, cho tương lai mịt mù của đứa trẻ này.
Chuyện chị H. ở Nghệ Tĩnh là một minh chứng nóng lên cho hành vi này. Vì quá ghen tuông theo kiểu mù quáng, người chồng hiền từ đức độ bao nhiêu năm chung sống đã không có cảm giác run sợ khi dùng dao xẻo thịt vợ. Một hành động man rợ đến kẻ điên cũng phải khiếp sợ. Tôi thường nghe mấy anh thi nhân vẫn hay ví von rằng “phụ nữ như đóa phù dung”. Nói đến phụ nữ ai cũng nghĩ ngay đến sự hiền lành, đức độ, mỏng manh và xinh đẹp, đòi hỏi ai có được cũng phải nâng niu và bảo trọng. Nhưng cuộc đời thì nào như tác phẩm văn học, còn lắm những đắng cay, tủi hờn mà biết bao “đóa phù dung” phải chịu.
Chuyện của những thiên thần nhỏ chỉ là một nốt trầm trong bản nhạc bạo lực bay bổng, còn những nốt cao luôn vút lên với biết bao bi kịch. Hạnh phúc gia đình vỡ tan, con cái gặp nhiều bất hạnh... Sinh ra với thân phận phụ nữ ai không mong gặp được người chồng yêu thương mình. Cảnh cuộc sống hạnh phúc viên mãn luôn là niềm ước ao của bao cô gái trẻ. Khi tình yêu thăng hoa, niềm vui ấy sẽ dần lớn theo năm tháng nhưng có ngờ đâu nó lại trở thành địa ngục. Tình yêu trên đời vốn là ích kỉ, nhưng sự độc đoán, cổ hủ lại khiến con người ta trở nên vô cảm, một khi sự ghen tuông nổi dậy thì tình yêu đẹp đó dù được xây dựng trong bao nhiêu năm cũng trôi vào tro bụi. Đấy là tình cảnh chung của bao chị em phụ nữ đang phải gánh chịu. Cuộc sống ngày nay dường như đã bị đảo điên một cách nghiêm trọng, mới hồi nào chúng ta còn đau đớn đầy thương xót cho thân phận người phụ nữ xưa bị chà đạp không có tiếng nói thì bây giờ chị em phụ nữ đã vùng dậy và " đánh trả" một cách mạnh mẽ. Vậy là khi người phụ nữ lấy lại được tiếng nói của mình thì một số người lại giở thói vũ phu, theo chân đáng nam nhi tự chà đạp hạnh phúc của gia đình mình. Chúng ta đều là con người và không có chuyện ai phải nghe theo ai, hạnh phúc trên đời đâu thể mua được bằng tiền, hạnh phúc cũng chẳng thể cưỡng ép hay dùng hành động cưỡng chế vậy nên dù là nam hay nữ, dù đúng hay sai thì vẫn hay tôn trọng và thông cảm cho nhau, rồi mọi chuyện sẽ qua đi và đừng để vài phút bốc đồng mà làm tổn thương đến người mà mình yêu thương và gắn bó hết đời.
Bạo lực gia đình là một hành vi vô cùng vô cùng xấu xa, chỉ có kẻ ngu xuẩn mới chọn cánh dùng đến vũ lực để giải quyết vấn đề. Chúng ta đề là con người cơ mà, chúng ta đều có suy nghĩ và có thể tự hiểu được, thậm chí chúng ta còn là gia đình máu mủ, chúng ta đều yêu thương và giúp đỡ nhau vậy nên đừng vì vài phút nóng giận mà gây ra những vụ bạo lực không đáng có. Là con người thì phải biết lắng nghe và quan sát, chỉ có như thế thì hạnh phúc mới dài lâu, cuộc sống hôn nhân mới êm ấm