Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Vợ chồng A Phủ được in trong tập Truyện Tây Bắc của nhà văn Tô Hoài. Tác phẩm Vợ chồng A Phủ là kết quả của tác giả khi được cử đi viết về các căn cứ cách mạng và đời sống ở vùng mới giải phóng. Khi đi sâu vào đời sống của người dân vùng núi, Tô Hoài đã cảm nhận được một tinh thần bất khuất và kiên cường kì lạ của đồng bào nơi đây. Và Vợ chồng A Phủ cũng là một bức tranh đen tối về số phận của những người phụ nữ dân tộc thiểu số. Đặc biệt, qua đoạn trích "Lần lần, mấy năm qua, mấy năm sau, bố Mị chết [..] bao giờ chết thì thôi. " tác giả đã tố cáo sự độc ác, tàn bạo của giai cấp thống trị.
Đoạn trích trên nằm ở phần đầu tác phẩm, miêu tả chân thực số phận bất hạnh của Mị dưới cái bóng của chế độ thực dân phong kiến chúa đất. Từ đó, ta thấy được cách nhìn về cuộc sống và con người của nhà văn Tô Hoài.
Tô Hoài đã từng quan niệm rằng:" Nhân vật là linh hồn và là trụ cột của tác phẩm ". Đặc biệt trong văn xuôi với thể loại truyện ngắn, một tác phẩm có thành công hay không phụ thuộc hoàn toàn vào nhân vật tham gia bởi nhân vật là trung tâm của câu truyện, có nhân vật mới có thể xây dựng được cốt truyện, diễn biến truyện, việc xây dựng nhân vật chính là dụng ý của nhà văn để thể hiện rõ được nội dung và tình cảm.
Trong tác phẩm" Vợ Chồng A Phủ "Mị là nhân vật chính của câu chuyện. Trước khi về làm dâu nhà thống lí, Mị vốn là một cô gái vùng cao trẻ trung, xinh đẹp, hồn nhiên, có tài" thổi lá cũng hay như thổi sáo, có biết bao nhiêu người mê ", nhưng vì món nợ truyền kiếp, Mị bị bắt về làm dâu gạt nợ cho nhà thống lí Pá Tra. Cuộc sống làm dâu của Mị không hề dễ dàng: Bị bóc lột sức lao động, làm việc quần quật suốt ngày đêm; bị chà đạp về quyền sống" không bằng con trâu con ngựa "; và bị hủy diệt về tinh thần" mỗi ngày, Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa ". Bao nhiêu khổ đau ở nhà thống lí đã biến Mị từ một cô gái hồn nhiên, yêu đời, trở thành một người đàn bà bị tước mất linh hồn. Trong đoạn văn trên, Tô Hoài đã tái hiện lại phần nào cuộc sống khổ cực ấy của Mị.
Trước hết, Mị hiện lên trong đoạn trích là một người vô cảm, cạn kiệt sức sống, đến cả cái chết Mị còn chẳng màng nghĩ tới nữa, bởi cuộc sống của Mị bây giờ chẳng khác gì kiếp nô lệ, súc vật:
Ngay từ câu văn đầu tiên, nhà văn đã để lại ấn tượng về khoảng thời gian mà Mị đã sống trong nhà thống lí:" Lần lần, mấy năm qua, mấy năm sau ", chỉ mấy năm thôi nhưng chắc là lâu lắm. Nếu đó là những năm tháng hạnh phúc thì đâu có gì để nói, nhưng đây lại là những năm tháng Mị phải kéo lê cuộc sống của mình trong đau khổ, trong sự xói mòn, mất mát dần của cảm xúc tâm hồn. Điều đáng ngạc nhiên là đến chính Mị cũng chẳng còn nhớ cuộc sống trong trốn địa ngục trần gian ấy đã diễn ra trong bao nhiêu năm nữa" Mị cũng không nhớ nữa "– phải chăng, cô đã mất hết nhận thức về thời gian, không gian? Cái khoảng thời gian không xác định ấy tưởng chỉ mang tính chất giới thiệu thôi mà gợi lên biết bao thương xót, ngậm ngùi.
Trong sự chảy trôi ấy của thời gian hiện lên cái chết của con người" bố Mị chết ": Sự chảy trôi dai dẳng ấy của thời gian như kéo dài cái khổ, cái cực của những người lao động nghèo miền núi. Họ phải cam chịu và sống dưới cái trướngcủa bọn chúa đất miền núi ngày này qua tháng khác. Cuối cùng, cái khổ ấy kếtthúc thành cái chết. Chỉ với một câu văn ngắn, Tô Hoài đã dấy lên niềm đồng cảm của ngườiđọc về cuộc đời bất hạnh của những người lao động nghèo miền núi. Quả thực, nói như Nguyễn Minh Châu:" Nhà văn không tô đen hay bôi hồng cuộc sốngmà nhà văn chỉ làm rõ bộ mặt thật của nó ".
Ở những câu văn tiếp theo, một lần nữa hình ảnh nắm lá ngón xuất hiện" Nhưng Mị cũng không còn tưởng đến Mị có thể ăn lá ngón tự tự nữa ". Lần thứ nhất, khi Mị trốn về nhà và khóc nức nở với bố," Mị ném nắm lá ngón xuống đất.. Mị không đành lòng chết ". Mị làm vậy bởi lúc ấy, Mị còn có sự ràng buộc là phải sống để trả nợ cho bố. Bây giờ," Mị cũng không còn tưởng đến Mị có thể ăn lá ngón tự tự nữa ". Phải chăng, Mị đã cam tâm sống kiếp nô lệ? Phải chăng, ý thức phản kháng trong Mị đã bị tê liệt? Thật chua xót làm sao, hóa ra, cái môi trường độc địa kia đã ngấm vào trong Mị, đau khổ đã đồng hóa Mị, khiến Mị quen dần với nó, chấp nhận nó như một phần trong cuộc sống của mình" Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi ". Người đời thì quen ăn mặc sung sướng, Mị thì" quen khổ ", chua xót làm sao? Và càng chua xót hơn, khi cái sự" quen "trong vô thức ấy, nó đã làm thui chột luôn cả ý thức đấu tranh trong Mị. Ngay cả đến sự phản kháng yếu ớt cũng không còn. Còn đâu một cô Mị của lòng ham sống yêu đời? Nào đâu còn cô Mị sẵn sàng ăn lá ngón để tự tử, để chấm dứt kiếp đời nhục nhã?
Câu văn đánh dấu sự thay đổi trong tính cách và tâm trạng của Mị. Như vậy, do tác động của sự bóc lột mà bố con Pá Tra gây ra mà giờ Mị đã mất đingọn lửa sống và chẳng còn màng nghĩ tới sống chết nữa. Ba chữ" Mị quen khổ rồi "như chất chứa bao xót xa và phẩn uất. Hoàn cảnh tạo nên tính cách và tính cách tạo nên số phận. Từ mộtngười con gái tự do và yêu đời, cánh tay đen ngòm của cái khổ và cái ác đã tómlấy Mị và hút hết bao nhiêu là cái tốt, cái đẹp rồi nhả ra là một con người nhỏ bé, trơ lì và chai sạn. Đọc những câu văn này, ta càng cảm thấy thương và đồng cảm với số phận bất hạnh của Mị.
Nếu như Thúy Kiều bị Sở Khanh và Tú Bà lập mưu vào tròng để bắt nàng phải tiếp khác nàng chơi, Kiều đã đau đớn trong cảnh nhục nhã khi thân xác bị chà đạp, trở thành vật mua vui cho người khác:
Mặt sao dày gió dạn sương
Thân sao bướm chán ong chường bấy thân?
Nhưng trong nỗi đau đoạn trường đó, Kiều vẫn là Kiều, vẫn ý thức được nỗi đau của bản thân, khao khát tiếng nói tri kỷ" Vui là vui gượng kẻo là/Ai tri âm đó mặn mà với ai? "Thì ở đây cô Mị lại hoàn toàn câm lặng. Nỗi đau và khổ đã chất chồng không còn đủ sức tê đi tái lại, nó đã chai dại và làm băng giá cả hồn người để người ta buông xuôi chấp nhận. Mị quen khổ rồi. Ôi sao đớn đau đến vậy?
Không những vậy, ở nhà thống lí Pá Tra, Mị còn bị bóc lột, vắt kiệt sức lao động, không khác gì súc vật. Đó cũng là lí do tại sao Mị lại" quen khổ rồi ":
Mị đã tự đẩy cuộc sống của mình ngang hàng với súc vật" Bây giờ thì Mị tưởngmình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa, là con ngựa phải đổi ở cái tàu ngựa nhà này đến ở cái tàu ngựa nhà khác, ngựa chỉ biết việc ăn cỏ, biết đi làm mà thôi ". Nhà văn như nhập thân vào nhân vật để nói lên suy nghĩ của Mị. Và suy nghĩ đã ăn sâu trong Mị mấy năm nay, chính là Mị nghĩ mình cũng như một con vật nuôi trong nhà thống lí. Con vật phải chịu kiếp đọa đày dưới đòn roi của chủ, phải làm việc khổ sai và không thể phản kháng, kêu ca. Mị cũng thế. Phải khổ, phải cam chịu đến thế nào, Mị mới nghĩ mình chỉ như loài vật như thế? Câu văn chất chứa biết bao nỗi xót xa, thương cảm mà Tô Hoài dành cho nhân vật của mình.
Gương mặt chính là sự phản chiếu của suy nghĩ, của tâm hồn. Suy nghĩ cam chịu, tâm hồn cô cảm đã khiến cho vẻ mặt của Mị mới buồn bã làm sao:" Mị cúi mặt, không nghĩ ngợi nữa. "Trên khuôn mặt lúc nào cũng chỉ biết cúi xuống ấy, làm sao thấy được một nét vui tươi? Trên khuôn mặt không bộc lộ một chút cảm xúc, nghĩ suy ấy, làm sao nhận ra một tia hạnh phúc? Chỉ có những người không thể vui, không thể hạnh phúc, mới có vẻ mặt đó. Đó là khuôn mặt nói lên sự lạnh lẽo, vô cảm của đời sống tâm hồn. Khuôn mặt héo hắt của một tâm hồn lay lắt.
Khi sống không còn cảm xúc, con người ta khác ci một cỗ máy lặp đi lặp lại theo quy trình? Hoàn cảnh sống khắc nghiệt thực sự đã biến Mị thành cỗ máy. Nên không phải ngẫu nhiên mà nhà văn lại miêu tả Mị với những suy nghĩ và hành động lặp đi lặp lại:" Lúc nào cũng chỉ nhớ đi nhớ lại những việc giống nhau, tiếp nhau vẽ ra trước mặt, mỗi năm mỗi mùa, mỗi tháng lại làm đi làm lại: Tết xong thì lên núi hái thuốc phiện, giữa năm thì giặt đay, xe đay, đến mùa thì đi nương bẻ bắp, và dù lúc đi hái củi, lúc bung ngô, lúc nào cũng gài một bó đay trong cánh tay để tước thành sợi. "Vậy là mị chỉ nhớ về công việc, những công việc giống nhau, chẳng có gì mới mẻ, chẳng có gì đáng để suy nghĩ, bận tâm thêm. Mị chẳng muốn nghĩ thêm hay chẳng thể nghĩ thêm? Dù thế nào thì những suy nghĩ lặp lại ấy đã nói lên sự vô cảm của đời sống tâm hồn. Người ta có thể nghèo về vật chất, nhưng nghèo đến cả suy nghĩ, cảm xúc nữa thì khốn khổ biết bao!
Tuy nhiên, ẩn đằng sau những câu văn này không chỉ đơn thuần là miêu tả trạng thái hiện tại của Mị. Sự xuất hiện của Mị là tiếng búa đinh óc, là lời tố cáo đanh thép của Tô Hoài về tội ác của bọn chúa đất khiến con người ta lâm vào" cùng đường tuyệt lộ ". Kim Lân từng quan niệm" Nhà văn phải viết như chơi, viết bằng cả tấm lòng của mình, nhưng phải hướng vào cái đẹp và cái thật. Khi nhà văn phát hiện ra cái gì không thật và không đẹp phải biết bất bình và lên tiếng ". Quả thật là vậy, có lẽ khi viết nhữngdòng văn này, Tô Hoài cũng không khỏi xót xa và căm phẫn thay cho nhân vật của mình. Từ ấy, nhà văn như muốn người đọc cùng buồn, cùng thương cho Mị. Suy cho cùng," con người đến với cuộc sống từ nhiều nẻo đường, trên muôn vàn cung bậc phong phú. Nhưng tiêu điểm mà con người hướng đến vẫn là con người "(Đặng Thai Mai).
Văn học dân gian miền núi cũng từng có tác phẩm kể lại những đau khổ, vất vả, tủi nhục, uất hận của phận làm dâu trong xã hội cũ:
" Như con trâu nặng nề đeo ách,
Như thân trâu măng buộc cọc tre,
Kéo cày từ sớm đến khuya,
Phận làm dâu chẳng có mùa nghỉ ngơi. "
(" Tiếng hát làm dâu "– Dân tộc Hmông)
Đoạn thơ như nói hộ tiếng lòng của Mị đang phải chịu những bi kịch ngậm ngùi không thể thốt thành lời.
Chưa hết, bị bóc lột sức lao động thôi chưa đủ, Mị còn bị chà đạp về quyền sống khi Mị sống" không bằng con trâu con ngựa ":
Thân phận của Mị chẳng khác nào thân phận" trâu ngựa ". Con trâu con ngựa suốt tháng suốt năm phải làm việc lam lũ trên nương, khoảnh khắc nghỉ chân của nó thật ngắn ngủi. Mị cũng thế, từ ngày về nhà thống lí Pá Tra làm dâu, quanh năm Mị quanh quẩn trên nương" bẻ bắp "," hái củi "," bung ngô ", lúc nào cũng gài một bó đay trong cánh tay để tước thành sợi. Con ngựa đôi khi còn được" đứng gãi chân, nhai cỏ ", còn Mị phải vùi vào làm việc" cả đêm, cả ngày ".
Vậy có khác nào con ngựa, con trâu? Thậm chí còn không bằng con ngựa, con trâu. Mị hiện lên như một công cụ lao động sống lặng lẽ, cam chịu bị bóc lột, đọa đày về thân xác.
Còn nữa, không chỉ bị vắt kiệt sức lao động, quyền sống là con người cũng không có, Mị còn bị hủy diệt về tinh thần:
Bao nhiêu khổ đau ở nhà thống lí đã biến Mị - một cô gái xinh đẹp, yêu đời mấy năm về trước bỗng trở thành một người đàn bà lầm lũi, vô cảm. Lúc nào Mị cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi." Mỗi ngày Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa ". Mị suốt đời câm lặng, chịu đựng bị đè nén, bị áp bức như con rùa. Đằng sau sự so sánh này là niềm thương cảm thấm thía của nhà văn về một kiếp người hóa thành kiếp vật.
Trong vô vàn lời ca than thân xưa nay khiến người đọc day dứt khôn nguôi về thân phận con người:
Thương thay thân phận con rùa
Xuống sông đội đá, lên chùa đội bia
Hay:
Thương thay lũ kiến tí ti
Kiếm ăn được mấy phải đi tìm mồi
Còn lời than thân nào đau đớn và chua chát lớn hơn một cuộc đời đắng ngắt, mặn chát như cuộc đời Mị hay không?
Ở nhà Pá Tra, Mị thực sự là một tù nhân. Căn buồng âm u tăm tối với cái ô cửa số bé bằng bàn tay lúc nào" trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng ". Thực sự là hình ảnh của một nhà ngục. Nó đã giam hãm tâm hồn và tuổi xuân của Mị. Nó đã làm tê liệt con người ý thức trong Mị, chỉ còn nơi Mị cái suy nghĩ tội nghiệp, đáng thương.
Ta liên tưởng đến nàng Kiều khi xưa cũng bị giam hãm số phận tại lầu Ngưng Bích:
" Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân
Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung.
Bốn bề bát ngát xa trông
Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia. "
Chỉ có điều, nếu Thúy Kiều còn được cảm nhận cái" bốn bề bát ngát xa trông "thoáng đãng của không gian thì Mị lại bị giam hãm trong căn phòng chật hẹp và tù túng. Ở trong ấy, Mị chẳng khác nào một tù nhân phải chịu án tù chungthân. Nhà thống lí Pá Tra đúng là không có chỗ cho lương tri và tình người.
Ở trong ngục tù ấy," Mị nghĩ rằng mình cứ chỉ ngồi trong cái lỗ vuông ấy mà trông ra, đến bao giờ chết thì thôi ". Ở bên ngoài căn phòng ấy là không gian mênh mông của núi rừng Tây Bắc, là sự tự do; còn bên trong là sự tù túng, chật hẹp và giam hãm. Mị" trông ra đến bao giờ chết thì thôi "dường như là Mị đang hướng về sự sống, về phía có ánh sáng le lói, yếu ớt với mong muốn vượt ngục hay chăng? Câu văn như vẽ ra ranh giới giữa sự sống và cái chết mà con người ta muốn giảithoát lại không thể thoát giải, đành phải bất lực và vô vọng. Sự trông ra và ngóng vọng của Mị như để lại một khoảng lặng trong tâm trí người đọc. Liệu rằng số phận của Mị sẽ mãi như vậy, hay một lúc nào đó Mị sẽ trỗi dậy tháo cũi sổ lồngđể giải thoát cho bản thân mình? Đoạn trích khép lại mà mở ra bao nhiêu suyngẫm và trăn trở trong lòng người đọc. Nói" Văn học là nhân học "như M. Gorki, quả không sai.
Bằng việc sử dụng nghệ thuật trần thuật lôi cuốn, hấp dẫn kết hợp việc vận dụng nhuần nhuyễn các biện pháp tu từ so sánh, nhân hóa, cùng những chi tiết vô cùng đặc sắc.. Tô Hoài đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật Mị với nỗi thống khổ trong kiếp nô lệ nhà thống Pá Tra: Bị bóc lột sức lao động, bị chà đạp về quyền sống, bị hủy diệt về tinh thần.
Qua đoạn trích, ta cũng thấy được cách nhìn về cuộc sống và con người của nhà văn. Trước hết, về cách nhìn về cuộc sống: Là cái nhìn hiện thực khi nhà văn muốn thể hiện một cách chân thực bức tranh xã hội thực dân, phong kiến miền núi với những mâu thuẫn giữa tầng lớp địa chủ phong kiến thực dân với quần chúng lao động. Đúng như quan niệm của nhà văn" Viết văn là một quá trình đấu tranh để nói ra sự thật ". Tiếp đến, về cách nhìn về con người: Là cái nhìn nhân đạo. Trong đó, Sê-khốp đã từng khẳng định:" Một nghệ sĩ chân chính phải là một nhà nhân đạo từ trong cốt tủy ". Sê-khốp coi tinh thần nhân đạo là phẩm chất bắt buộc phải có trong mỗi người cầm bút, là tiêu chuẩn, điều kiện để đánh giá mức độ chân chính của nhà văn. Bởi tác phẩm văn học chân chính thể hiện cái tâm của người nghệ sĩ, phải hàm chứa tinh thần nhân văn sâu sắc, chứa đựng niềm vui, nỗi khổ đau của con người. Xuất phát từ sự gắn bó, am hiểu và tình yêu thương với mảnh đất và con người miền núi, từ hiện thực cách mạng với nhiều đổi thay nhà văn đã hướng đến những người lao động bình dị, chất phác bằng tình cảm sâu sắc, mộc mạc, chân thành, yêu thương và cảm phục. Ngược lại, đối với những nhân vật phản diện như A Sử và Thống lí Pá Trá, nhà văn sử dụng những ngôn từ chân thực, mang tính phê phán mạnh mẽ sự lộng hành và ác độc của gia đình nhà thống lý. Người đọc cũng có thể cảm nhận được sự trân trọng, tin yêu của nhà văn với vẻ đẹp của những người dân miền núi. Điển hình, trong mắt Tô Hoài, Mị là người hội tụ của nhiều vẻ đẹp từ ngoại hình, đến tài năng và cả vẻ đẹp của sức sống tiềm tàng, sức phản kháng mãnh liệt. Hơn nữa, với cái nhìn đầy yêu thương, nhà văn đã tìm ra lối thoát cho nhân vật của mình, giải thoát cho đồng bào miền núi bằng ánh sáng cách mạng, khẳng định, tin tưởng vào khả năng, sức mạnh, tương lai tốt đẹp của người dân miền núi. Đồng thời, cách nhìn mới mẻ, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, mang lại chất lượng mới cho văn học kháng chiến, đồng thời thể hiện tài năng, tấm lòng nhà văn Tô Hoài.
" Nghệ thuật nằm ngoài quy luật của sự băng hoại, chỉ mình nó không thừa nhận cái chết "(Schedrin). Để làm được điều đó, nghệ thuật phải hướng đến con người với một tinh thần nhân đạo sâu sắc. Và như thế, tôi tin rằng" Vợ chồng A Phủ "là một tuyệt tác trường tồn. Áng văn ấy, cùng tên tuổi nhà văn Tô Hoài – một nhà văn, nhà nhân đạo chủ nghĩa sẽ còn sống mãi, ghi một dấu ấn không phải trong nền văn học nước nhà.
Tham gia Cộng đồng Lazi trên các mạng xã hội | |
Fanpage: | https://www.fb.com/lazi.vn |
Group: | https://www.fb.com/groups/lazi.vn |
Kênh FB: | https://m.me/j/AbY8WMG2VhCvgIcB |
LaziGo: | https://go.lazi.vn/join/lazigo |
Discord: | https://discord.gg/4vkBe6wJuU |
Youtube: | https://www.youtube.com/@lazi-vn |
Tiktok: | https://www.tiktok.com/@lazi.vn |
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |