Hãy luôn sống đúng với con người thật của chính bạn!
Bạn có biết những linh kiện điện tử được làm trên cùng một dây chuyền không? Chúng giống hệt nhau, chẳng khác một ly, một tí nào cả. Khi bạn trông thấy những linh kiện điện tử này xếp cạnh nhau, hẳn bạn sẽ thấy rất chán. Chính cái sự đơn điệu, không phong phú ấy gây nên sự nhàm chán cho người nhìn.
Con người cũng như vậy thôi, giả sử ai cũng giống ai thì thế giới này sẽ tẻ nhạt vô cùng. Trái lại, nếu mọi người có những điểm đặc sắc riêng thì cuộc sống này sẽ tươi đẹp làm sao, đáng yêu làm sao. Do đó sống thực với con người bạn trước hết là để tạo ra một cuộc sống đặc biệt và thoải mái cho chính bạn. Hãy thử tưởng tượng, bạn là một cô bé rất năng động và hơi “nghịch” một tí, rất thích bay nhảy, ham thích hoạt động. Thế mà, do một số nguyên nhân như “người ta phần lớn đều thích thế”, bạn bỗng bó mình lại, đeo vào mình một chiếc mặt nạ làm một cô bé ngoan hiền, thuỳ mị, nhẹ nhàng, thậm chí ra vẻ “tiểu thư” thơ ngây. Bạn thay đổi những chiếc giày vải thoải mái bằng các loại giày búp bê chật ních “cho chân nhìn thon và nữ tính”. Khi được ai đó hỏi thì lại nhỏ nhẹ: “Tớ là một cô bé yêu màu hồng, ghét màu đen, sợ màu đỏ”, mặc dù có thể là bạn rất thích màu đen… Lúc đó thử xem có còn nhiều người khen bạn cá tính như cái thuở còn bay nhảy không? Bạn có thể đeo mặt nạ được một lúc chứ có đeo được cả đời đâu. Tới một lúc nào đó, cái mặt nạ nhạt nhẽo đó sẽ làm bạn mệt mỏi và chán nản vô cùng. Và cuối cùng thì bạn vẫn phải lột bỏ ra thôi. Thế bạn có sợ bị người ta bảo là: “giả vờ nai con” hay thậm chí là “đồ hai mặt” không?
Bạn ơi, sống thật với chính mình có thể quyết định cả tới cuộc sống và tương lai lâu dài của bạn nữa đấy. Để tôi kể cho bạn nghe câu chuyện về nhà vật lí xuất sắc người Nga Pyotr Nikolaevich Lebedev. Ông là con trưởng của một gia đình buôn bán giàu có, cha ông luôn hướng con mình tới ngành kinh doanh. Nào ngờ, Lebedev lại không có hứng thú với mấy việc buôn bán mà chỉ chú trọng vào vật lí. Khi người cha bắt ép ông phải theo con đường kinh doanh, ông đã không chịu, vẫn đi theo con đường vật lí học, thậm chí chấp nhận bị đuổi ra khỏi nhà. Vượt qua rất nhiều khó khăn và trở ngại, ông đã thành công: chứng minh được rằng ánh sáng cũng có áp suất vào vật rắn và cả phân tử khí.
Hãy nghĩ xem, nếu Lebedev không sống thật với chính mình, nghĩa là bỏ qua sở thích của mình và đi theo con đường người khác đã sắp đặt sẵn thì nhân loại ngày nay có biết đến ông không? Vì vậy sống thật với chính mình sẽ ảnh hưởng tích cực tới cuộc sống của bạn. Chẳng nói ở đâu xa, bạn có biết ca sĩ Mỹ Linh không? Nếu biết thì hẳn bạn sẽ rất thích bài Tóc ngắn của chị ấy. Trong bài hát này có đoạn: Xinh tươi cớ gì em tóc dài, để cho em giống như bao nhiêu người… Thế đấy, trong lĩnh vực nào, người ta cũng đề cao cá tính. Sự đặc sắc của cá tính luôn gây được ấn tượng mạnh mẽ trong lòng người khác.
Tuy nhiên, có một số người lại “sống thật với chính mình” một cách “quá đáng”. Tôi đã gặp trường hợp thế này, một bạn rất thích màu xanh, nhưng bạn lại nghĩ là màu xanh nhiều người thích rồi, mình mà nói ra thì sẽ “mất cá tính”, thế là bạn ấy không thích màu xanh nữa, chuyển sang một màu “quái” hơn, như màu xám chẳng hạn. Thế thì chẳng phải bạn cá tính đâu, mà bạn lại đang cố tạo ra cái cá tính đó.
Hãy nhớ rằng bạn là một, là duy nhất, ngàn vì tinh tú của trời đất cũng chẳng đa dạng bằng hàng tỉ tỉ tế bào có trong bạn. Đừng để những đặc sắc riêng biệt của bạn bị tan vào với cái gì khác. Hãy cứ là bạn. Hãy luôn sống với đúng con người thật của chính mình!