Nhân vật người cha – tía nuôi của cậu bé An là một người mà tôi rất ấn tượng trong tác phẩm “Đất rừng phương Nam” của Đoàn Giỏi. Từ đoạn trích “Đi lấy mật”, ông hiện lên với một ngoại hình khoẻ khoắn, điểm xuyết là những chi tiết nhỏ thể hiện sự tinh tế, chăm sóc con của mình. Và ở trong đoạn trích “Rừng cháy”, tính cách ấy lại càng được thể hiện rõ ràng hơn. Câu chuyện kể về hành trình quay trở về của hai cha con An sau khi lấy được mật, ngỡ tưởng con đường về sẽ đầy ắp sự yên ả, vui vẻ. Nhưng đột nhiên, có một tiếng động lớn từ khắp rừng, đó chính là ba chiếc máy bay địch và chúng đã thả một cái gì đó đen đen xuống mặt đất. Ngay lập tức, tía nuôi nói với An: “Nằm xuống mau”. Điều này chứng tỏ, ông là một người rất nhanh trí và có khả năng quan sát rất tốt. Quả không hổ danh là người con của rừng núi, am hiểu đời sống cũng như hoàn cảnh lúc bấy giờ. Trong tình thế khá nguy hiểm như vậy, tía nuôi An hành động rất thận trọng và bình tĩnh, ông còn bảo An: “Chắc là bom lép, đừng ngóc đầu dậy nghe con!”. Hai chữ “nghe con” khiến người đọc cảm nhận được rất sâu sắc tình cảm mà tía nuôi dành cho An, đó chính là tình cảm gia đình, gắn bó, đầy yêu thương. Khi biết được giặc đốt rừng, ông lại một lần nữa xử lí tình huống rất khéo léo. Tía nuôi bảo An chạy thoát thân trước, bỏ lại hai thùng mật mía và cùng động viên An và bản thân mình “Cố lên. May ra còn kịp …” Đối với tía nuôi, tính mạng con người luôn là quan trọng nhất và chúng ta cần phải thật nhanh và cố gắng vượt qua nghịch cảnh. Tóm lại, nhân vật tía nuôi đã để lại trong em nhiều suy nghĩ về con người và cuộc sống, ông là một tấm gương vượt qua khó khăn, nghịch cảnh đời thường mà chúng ta không thể nào quên