Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” là một truyện hay trong thiên cổ kì bút “Truyền kì mạn lục” của Nguyễn Dữ. Truyện được viết trên cơ sở của một truyện dân gian, phản ánh một vấn đề bức thiết trong xã hội phong kiến lúc bấy giờ đó chính là thân phận và bi kịch của người phụ nữ trong xã hội cũ. Thế lực phong kiến bạo tàn đã chà đạp lên nhân phẩm của người phụ nữ, mặc cho họ là những người có phẩm chất, đức hạnh rất đáng trân trọng.
Truyện kể về cuộc đời và số phận của Vũ Nương, một người con gái có nhan sắc lại có đức hạnh. Chồng nàng là Trương Sinh, con nhà giàu nhưng ít học, lấy nàng chỉ vì mến dung nhan chứ không vì tình yêu, để rồi giữa họ không có sự chan hòa, bình đẳng. Mầm mống ngọn nguồn bi kịch của cuộc đời Vũ Nương đã bắt đầu từ đây. Mặc dù chồng là người lạnh lùng, khô khan và ích kỉ nhưng Vũ Nương vẫn luôn yên phận, đảm đang, tháo vát và thủy chung. Nàng khao khát hạnh phúc gia đình và đặt hạnh phúc gia đình lên trên danh lợi, quyền quý. Khi chồng phải đi tòng quân nàng chỉ có niềm mong ước giản dị là chồng sẽ bình yên trở về. Đó là một tình cảm tiêu biểu của những người vợ hiền dành cho chồng trước lúc đi xa.
Trong suốt thời gian xa chồng, Vũ Nương là người con dâu hiếu thảo, là người mẹ hiền một mình chăm sóc con thơ. Khi mẹ chồng mất cũng một mình nàng lo ma chay tế lễ hết sức chu đáo. Khi giặc tan Trương Sinh trở về, vì hồ đồ tin vào lời con trẻ mà nghĩ vợ hư hỏng, đuổi đánh Vũ Nương, khiến nàng đau đớn, tủi nhục phải tự tử trên bến Hoàng Giang. Nỗi oan khúc của Vũ Nương đã vượt qua giới hạn gia đình, nằm trong muôn vàn nỗi oan khốc bị xã hội phong kiến vùi dập. Thân phận người phụ nữ bị chà đạp, vùi dập và sỉ nhục, đày đọa tới cùng cực, tới bước đường cùng của cuộc đời. Vũ Nương sau khi đã chết, tuy được chồng làm lễ giải oan cho nhưng hạnh phúc không thể tìm lại được.
Sự dứt áo ra đi của nàng là một thái độ phủ định với dương thế, với xã hội bất công. Đây cũng là thái độ đấu tranh đòi công lý của những người phụ nữ trong xã hội phong kiến suy tàn. Dù cái chết là một tấn bi kịch của người phụ nữ, nhưng họ đã thức tỉnh được tầng lớp phong kiến, phụ quyền. Qua câu chuyện về cuộc đời và số phận bi thảm của Vũ Nương, Nguyễn Dữ đã tố cáo xã hội phong kiến đương thời đã chà đạp lên nhân phẩm của người phụ nữ, tố cáo chiến tranh phi nghĩa làm cho hạnh phúc gia đình, tình cảm vợ chồng tan vỡ. Phải chăng người phụ nữ trong xã hội phong kiến ấy luôn bị chà đạp dù có tài năng và phẩm chất cao đẹp:
Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh vẫn là lời chung
Phận đàn bà ấy đau đớn, bạc mệnh và tủi nhục không kể xiết, lễ giáo phong kiến là sợi dây oan nghiệt trói chặt người phụ nữ, giam cầm họ trong những đau khổ, khiến họ luôn phải tìm đến cái chết để bảo vệ nhân phẩm của mình.
Tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” đã cho người đọc thấy được thân phận và bi kịch của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa, đồng thời thông qua đó đề cao giá trị của người phụ nữ.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |