Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Thực trạng về nghề dệt thổ cẩm của người Mường (Thanh Hóa)
Dân tộc Mường (Thanh Hóa) hiện nay có 364.622 người, chiếm gần 59% các dân tộc thiểu số trong tỉnh (1), sống tập trung ở các huyện Ngọc Lặc, Thạch Thành, Bá Thước, Cẩm Thủy… Người Mường là dân tộc có lịch sử định cư lâu đời nhất ở Thanh Hóa. Họ có nhiều nghề thủ công truyền thống lâu đời phục vụ đời sống, trong đó, phát triển nhất và đạt đến trình độ cao là nghề dệt thổ cẩm. Nhờ vào sự phát triển của nghề dệt mà trang phục của người Mường cũng có những đặc trưng riêng biệt và độc đáo, thể hiện chủ yếu trên cạp váy, áo của người phụ nữ. Cũng giống người Thái, các bé gái người Mường ngay từ khi mới lên 9, 10 tuổi, đã được các bà, các mẹ dạy dệt váy, dệt khăn thổ cẩm. Việc dệt thổ cẩm giỏi là tiêu chí đánh giá mức độ đảm đang, khéo léo của người phụ nữ Mường. Theo phong tục của người Mường, con gái khi lấy chồng phải tự tay dệt từ 6-12 món đồ gồm chăn, quần áo, khăn, gối... để tặng cho gia đình nhà chồng. Cũng chính vì thế mà trước đây những cô gái Mường hầu hết ai cũng phải biết đến dệt thổ cẩm rất thuần thục và kỹ nghệ tinh xảo.
Để dệt được những tấm vải thổ cẩm hoàn thiện cần trải qua rất nhiều công đoạn, người phụ nữ Mường tự tay làm tất cả các khâu, từ chuẩn bị nguyên liệu như: trồng bông, trồng dâu nuôi tằm, bật bông, xe sợi, dệt vải, tìm các nguyên liệu từ cây rừng để nhuộm màu cho vải, nhuộm màu chỉ. Màu nhuộm đều là các màu sắc tự nhiên được lấy từ củ, quả, lá cây, vỏ cây để pha thành những sắc màu đa dạng và thêu thùa thành sản phẩm hoàn chỉnh. Những tấm vải đã dệt có thể may thành váy, áo, khăn, gối, đệm, chăn dùng trong gia đình. Sản phẩm thêu truyền thống được làm hết sức tỉ mỉ với những công cụ thô sơ. Các họa tiết chủ yếu là hình ảnh của những loại cây, hoa, động vật, gắn bó với đời sống sinh hoạt thường ngày.
Ngày nay, nghề dệt thổ cẩm phát triển theo nhiều hướng khác nhau và sản phẩm làm ra ngày càng đa dạng và phong phú. Ngoài dệt vải để may trang phục, đồ dùng trong gia đình thì họ cũng đã tạo ra các sản phẩm có tính ứng dụng cao như các loại túi xách, bao đựng điện thoại, túi chống sốc máy tính, hay đơn thuần là những chiếc khăn choàng với họa tiết hoa văn bắt mắt. Bà Phạm Thị Bảo (68 tuổi, chủ nhiệm tổ sản xuất thổ cẩm dân tộc Mường Bảo Hằng, làng Nhỏi, xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc) cho biết: “Năm lên 15-16 tuổi tôi đã được theo mẹ đi nương trồng những gốc dâu và hái nắm lá về cho tằm ăn, được nghe mẹ kể về chuyện con tằm. Tôi đã được mẹ truyền dạy cho những đường chỉ đầu tiên và đến năm 16 tuổi tôi có thể ngồi vào khung cửi, dệt thuần thục những hoa văn truyền thống của người Mường” (2).
Hiện nay, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nghề dệt của đồng bào đã có nhiều biến đổi trong các nguyên liệu dệt, cơ cấu sản phẩm dệt so với truyền thống. Trước hết, đó là việc thực hiện chính sách giao đất giao rừng của nhà nước, đồng bào dân tộc cam kết không phát nương, làm rẫy trồng bông trên địa phận rừng được quản lý. Do đó, các nương bông không được trồng nữa và hệ quả tất yếu là nghề dệt vải đi vào ngõ cụt bởi không còn nguồn nguyên liệu tự thân. Thêm vào đó, xã hội phát triển, các sản phẩm may mặc công nghiệp được bán nhiều trên thị trường, sợi bông tự nhiên và màu nhuộm sợi như trong truyền thống giờ chủ yếu đã được thay thế bằng sợi vải công nghiệp với đủ loại màu sắc, thuốc nhuộm công nghiệp bán sẵn trên thị trường dễ dệt hơn, giá cả lại hợp lý, không tốn nhiều thời gian, công sức.
Nghề dệt thổ cẩm đang dần bị mai một, một số còn duy trì, các sản phẩm thổ cẩm tuy vẫn hiện diện trong sinh hoạt văn hóa Mường, nhưng số người biết nghề dệt chủ yếu là người ở độ tuổi trung niên và cao tuổi. Theo tư liệu điền dã thực tế chúng tôi thu thập được, nghề dệt thổ cẩm chỉ còn tồn tại ở các bản làng người Mường tụ cư đông đúc ở các huyện Ngọc Lặc, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Bá Thước, Lang Chánh, nhưng duy chỉ có 2 bản có mô hình dệt thổ cẩm với tổ sản xuất có trên dưới 20 lao động. Đó là tổ sản xuất thổ cẩm Chiềng Khạt, xã Đồng Lương (huyện Lang Chánh) còn một tổ sản xuất nghề dệt thổ cẩm với gần 20 nghệ nhân tuổi từ 46-60 tuổi. Ngoài ra, cơ sở sản xuất hàng thổ cẩm dân tộc Mường Bảo Hằng (huyện Ngọc Lặc) có 40 phụ nữ với việc làm thường xuyên, thu nhập từ 4-4,5 triệu đồng/ tháng. Năm 2020, tuy ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng doanh thu của cơ sở vẫn đạt 1,2 tỷ đồng, trừ chi phí thu lãi gần 300 triệu đồng. Tại cơ sở sản xuất hàng thổ cẩm Bảo Hằng còn dệt thêm những sản phẩm mang tính ứng dụng cao như túi thổ cẩm, khăn, mặt gối, vỏ chăn, mặt địu, túi xách… Sản phẩm dệt thổ cẩm của cơ sở Bảo Hằng và Chiềng Khạt đã được đem đi tham gia trưng bày, giới thiệu tại nhiều hội chợ, triển lãm, được người dân và du khách trong và ngoài tỉnh biết đến.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |