Thơ hay vì trong thơ có họa, có nhạc, Lượm của Tố Hữu là một bài thơ như thế. Trong đó phần đầu bài thơ có lẽ đặc sắc hơn cả vì đã tạo nên bức chân dung chân thật, sinh động của một em bé liên lạc thời đánh Pháp với dáng người bé nhỏ, nhưng nhanh nhẹn, tinh nghịch mà yêu đời, tuổi nhỏ mà chí cao, rất đáng yêu đáng mến.
Khổ thơ đầu nhắc lại một kỉ niệm khó quên lần gặp gỡ cuối cùng của nhà thơ với chú đội viên liên lạc, giữa hai chú, cháu trên thành phố Huế thân thương. Đó là những ngày Huế đổ máu, năm 1946, giặc đánh chiếm cố đô Huế, quê mẹ nhà thơ:
"Ngày Huế đổ máu
Chú Hà Nội về,
Tình cờ chú cháu
Gặp nhau Hàng Bè"
Đoạn thơ nhắc lại, gợi lại một con người, nơi phố cũ thành xưa, thời gian đã qua nay đã trở thành kỉ niệm, hoài niệm. Sau câu chữ, vần thơ là cảm xúc, là nỗi nhớ thương lắng đọng, rung động nơi sâu kín nhất cõi tâm hồn.
Tám câu thơ tiếp theo là những nét vẽ đầy ấn tượng về Lượm, chú đội viên liên lạc. Thân hình nhỏ bé. Trang phục giản dị với chiếc mũ ca-nô đội lệch về một bên cùng cái xắc xinh xinh. Chú rất nhanh nhẹn, hiếu động và đáng yêu. Đôi chân thì thoăn thoắt. Cái đầu thì nghênh nghênh. Các từ láy: “loắt choắt, xinh xinh, thoăn thoắt, nghênh nghênh” có giá trị gợi tả đặc sắc, làm hiện lên hình ảnh chú đội viên rất nhỏ bé, nhưng nhanh nhẹn, hồn nhiên, thật đáng yêu. Các từ láy đặt cuối câu thơ, liên kết thành hai cặp vần cách (1 với 3, 2 với 4) tạo nên nhạc điệu, âm điệu, đọc lên nghe rất thú vị:
“Chú bé loắt choắt
Cái xắc xinh xinh
Cái chân thoăn thoắt
Cái đầu nghênh nghênh”
Chữ cái được điệp lại ba lần qua ba nét vẽ: “cái xắc, cái chân, cái đầu” đã làm cho nét vẽ sắc và khoẻ, giọng thơ trở nên hóm hỉnh, yêu thương.
Lượm ngây thơ và hồn nhiên, tinh nghịch và yêu đời. Dáng điệu và cử chỉ của chú thật đáng yêu biết bao: “Ca lô đội lệch/Mồm huýt sáo vang”. Lượm khác nào con chim non cất tiếng hót rộn ràng, tung bay trong nắng mới, nhảy nhót trên đường vàng. Một so sánh thật đắt:
“Như con chim chích
Nhảy trên đường vàng”
Con đường vàng một hình ảnh sáng giá tượng trưng cho con đường đầy nắng đẹp đi tới tương lai mà cách mạng đã đem đến cho thiếu nhi Việt Nam. Qua ngôn ngữ giàu hình tượng và biểu cảm, Tố Hữu dành cho chú đội viên nhiều trìu mến, trân trọng và yêu thương.
Những dòng thơ cuối đoạn, giọng điệu thơ thay đổi. Từ kể và miêu tả, Tố Hữu chuyển thành đối thoại. Cháu nói với chú niềm vinh dự lớn lao mà cháu được tham dự. Quê hương bị giặc chiếm đóng tàn phá, Lượm vui sướng được trở thành người chiến sĩ nhỏ cùng cha anh đánh giặc. Các từ ngữ như: “vui lắm, thích hơn” đã biểu lộ một cách hồn nhiên tinh thần yêu nước và nhiệt tình kháng chiến của Lượm:
Quân đội đã trở thành đại gia đình của chú. Cuộc đời người đội viên liên lạc khác nào một cánh chim tung bay trong bão tố? Sao chẳng vui, chẳng thích, chẳng tự hào? Lượm là một trong những hình ảnh tuyệt đẹp của tuổi nhỏ chí cao:
“Tuổi nhỏ làm việc nhỏ
Tuỳ theo sức của mình
Đi tham gia kháng chiến
Để gìn giữ hoà bình”
(Thư trung thu, Hồ Chí Minh)
Nụ “cười híp mí”, và “má đỏ bồ quân” là hai nét vẽ làm cho bức chân dung chú liên lạc thêm sinh động. Một tâm hồn trẻ trung, phơi phới hồn nhiên. Chú liên lạc đi xa dần sau một tiếng chào “đồng chí” nhiều thân thương:
“Cháu cười híp mí
Má đỏ bồ quân
- Thôi chào đồng chí!
Cháu đi xa dần”
Câu thơ “Cháu đi xa dần” như một dự báo: phút giã biệt ở phố Hàng Bè, khi ngày Huế đổ máu cũng là phút vĩnh biệt. Người chú chẳng bao giờ gặp lại người cháu thân thương ấy nữa.
Bài thơ "Lượm" là một thành công đặc sắc của Tố Hữu viết về gương anh hùng của thiếu nhi Việt Nam trong thời kháng chiến. Một dáng hình dễ mến, một tâm hồn trong sáng, phơi phới yêu đời thật đáng yêu. Với chú liên lạc, lòng yêu nước, nhiệt tình kháng chiến đã trở thành lý tưởng chiến đấu say mê!
Tố Hữu đã sáng tạo nên những vần thơ bốn chữ trong sáng, giàu nhạc điệu, giàu hình ảnh như một khúc đồng dao. Các từ láy tượng hình là những nét vẽ tinh tế nhất, biểu cảm nhất về chân dung người chiến sĩ nhỏ, một liệt sĩ anh hùng, được thể hiện trong thơ ca kháng chiến. Bài thơ Lượm là một tượng đài chiến sĩ thiếu nhi anh hùng.