Lưu Quang Vũ (1948- 1988), không chỉ là nhà viết kịch nổi tiếng, mà còn là nhà thơ tài hoa xuất sắc của Việt Nam. Thơ Lưu Quang Vũ thường chất chứa nhiều cảm xúc và đầy trăn trở, ưu tư... Bài thơ “Anh chỉ sợ rồi trời sẽ mưa”, rút trong tập “Bầy ong trong đêm sâu” (1993) là một trong những bài thơ như thế. Đây là bài thơ hay được nhiều người ưa thích, bởi nó chứa đựng nỗi ám ảnh về thân phận con người và cuộc đời, đọng lại trong người đọc nỗi khắc khoải, buồn lo và những dự cảm về một tương lai đầy bất trắc, trước những thử thách của cuộc sống.
Có thể nói, hình ảnh mưa gần như trải dọc suốt tác phẩm (trừ khổ thứ tư), làm nên một biểu tượng xuyên suốt bài thơ. Hay nói khác đi, cơn mưa là sự thử thách lòng người trước những tác động của ngoại cảnh. Mưa là hiện tượng thông thường của thời tiết, có gì phải sợ? Nhưng đọc bài thơ, ta hiểu cơn mưa chỉ là cái cớ để tác giả liên tưởng tới những đổi thay khó đoán định trước cuộc sống và những bấp bênh của lòng người, mà bắt đầu từ lời hứa của em: “Anh chỉ sợ rồi trời sẽ mưa/ Xóa nhòa hết những điều em hứa”, rồi đến “Xóa cả dấu chân em về buổi ấy” cùng mùi hương trên gối sợ mưa sẽ làm phai nhạt? Nỗi lo dường như tăng theo cấp số nhân, ấy là khi người thơ sợ mưa sẽ xóa nhòa tất cả, sợ nhất: “Em không còn màu mắt xưa”. Có phải nhà thơ quá lo xa chăng? Nhưng trước những đổi thay của cuộc đời, điều gì cũng có thể xảy ra, mà một người giàu lòng ưu tư như Lưu Quang Vũ thì nỗi lo trên là điều dễ hiểu.
Chưa hết, cơn mưa rào nối trận mưa ngâu, cả những cơn mưa chuyển mùa, đó là sự bất thường của thời tiết hay chính là những đổi thay của năm tháng cuộc đời đã gieo vào lòng nhà thơ nỗi âu lo không cùng về cuộc sống, hạnh phúc, tình yêu. Bằng tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, nhà thơ mường tượng những trớ trêu đến từ cơn mưa (mây đen, trời không xanh, nắng không trong, lá khô tan tác bay, mưa cướp đi ánh sáng của ngày, đường chập choạng trăm mối lo khó gỡ, dở dang giấc ngủ, vườn cũ gẫy cành, rụng trái…), kéo theo những phấp phỏng lo âu tưởng như không bao giờ dứt, nhất là khi nhân vật trữ tình nhận thấy: “Hạnh phúc con người mong manh mưa sa”. Bao nhiêu lo âu, trăn trở mà cơn mưa chỉ là lý do để nhà thơ gửi gắm nỗi lòng. Qua đó, ta hiểu được tâm trạng lo lắng, đầy trách nhiệm với con người và cuộc đời của nhà thơ. Liên tưởng đến những tác động của ngoại cảnh dưới sự bủa vây của cơn mưa, phải chăng tác giả muốn thể hiện tâm trạng bất an trước những đổi thay của cuộc sống và điều lo sợ nhất là lòng người liệu có đổi thay sau những mưa gió cuộc đời?
Về phần mình, trước khi lo lắng về những sự đổi thay, nhà thơ luôn xác quyết “Riêng lòng anh, anh không quên đâu”, không quên từng bản nhạc, khúc hát ngày xưa, không quên cả những kỷ niệm tuổi thơ, thế nên: "Dẫu đường đời lắm đổi thay mệt nhọc/ Tựa đầu ta nghe tiếng hát ru nhau". Cho dù cuộc đời còn nhiều khó khăn vất vả thì những kỷ niệm trong trẻo ấy, không bao giờ phai nhạt trong tâm trí nhà thơ.
Khổ thơ cuối đầy ám ảnh: "Anh chỉ sợ rồi trời sẽ mưa/ Thương vườn cũ gẫy cành và rụng trái/ Áo em ướt để anh buồn khóc mãi/ Ngày mai chúng mình ra sao em ơi". Câu thơ “Anh chỉ sợ rồi trời sẽ mưa” được lặp lại ở khổ cuối, dường như nỗi sợ càng được nhấn thêm, buồn nhất khi cảm thấy bất lực, không thể che chở cho người mình yêu dưới trời mưa, nên “Áo em ướt để anh buồn khóc mãi”, giọt nước mắt của anh nhòa cùng giọt mưa, càng làm cho nỗi buồn thêm trĩu nặng.
Câu thơ kết là một câu hỏi không có câu trả lời, bởi cả anh, em (và cả chúng ta) không ai có thể biết trước được điều gì sẽ xảy ra trước những mưa gió cuộc đời, nhất là khi cuộc sống luôn đặt ra những thử thách đòi hỏi mỗi người phải đối diện. “Ngày mai chúng mình ra sao em ơi”, câu thơ như xoáy vào lòng người đọc một nỗi buồn khôn tả, đây không chỉ là nỗi sợ của Lưu Quang Vũ mà có thể là nỗi sợ của mỗi chúng ta chăng?
“Anh chỉ sợ rồi trời sẽ mưa”, chỉ là một giả định, trời chưa mưa và cơn mưa chưa tới, nhưng hậu quả của cơn mưa đối với con người và cuộc đời đã được nhà thơ lường trước và đón đợi bằng nỗi sợ. Biết sợ mà chủ động trước những bất trắc có thể xảy đến, âu cũng là tâm lý rất bình thường của một người luôn biết lo xa để chu toàn cuộc sống. Bởi thế, bài thơ “Anh chỉ sợ rồi trời sẽ mưa” là một ẩn dụ về nỗi “khắc khoải khôn nguôi về đời sống và thân phận con người, thân phận hạnh phúc...” (tiến sĩ Nguyễn Thanh Tâm).