“Sang năm con lên bảy” nghĩa là năm nay con mới chỉ 6 tuổi. Con còn nhỏ bé, ngây thơ và hồn nhiên, con chỉ “lon ton... chạy nhảy”. Tất cả muôn loài là tâm hồn trong sáng, và yêu thương của con. Lòng cha dạt dào tình thương mến. Giọng thơ nhẹ nhàng thiết tha:
“Sang năm con lên bảy
Cha sẽ đưa tới trường
Giờ con đang lon ton
Khắp săn vườn chạy nhảy
Chỉ mình con nghe thấy
Tiếng muôn loài với con”.
Con sẽ khôn dần. Thế giới thiên nhiên (chim, gió, cây...) thế giới thần tiên, cổ tích sẽ trở thành kỉ niệm, hoài niệm. Sẽ trở thành “chuyện ngày xưa ngày xửa...”. Sang năm con lên bảy, con sẽ bước vào một hành trình mới với trang sách ngọn đèn, với mái trường, với thầy cô và bạn bè thơ ấu:
“Mai rồi con lớn khôn
Chim không còn biết nói
Gió chỉ còn biết thổi
Cây chỉ còn là cây
Đại bàng chẳng về đây
Đậu trên cành khế nữa
Chuyện ngày xưa, ngày xửa
Chỉ là chuyện ngày xưa”.
Những hoàng tử, cô Tấm, những nàng tiên, những ông Bụt, những dũng sĩ, chim đại bàng biết nói, v..v... của miền thơ ấu sẽ trở thành hoài niệm, sẽ trở thành kỉ niệm, sẽ “chỉ là chuyện ngày xưa”...
Con sẽ lớn khôn cùng mái trường, cùng trang sách ngọn đèn, tuổi ấu thơ sẽ đi qua "Bao điều bay đi mất – Chỉ còn trong đời thật”. Cuộc đời là nhiều vất vả, khó khăn. Hạnh phúc không thể cầu xin mà con phải giành lấy bằng hai bàn tay của mình:
“Tiếng người nói với con
Hạnh phúc khó khăn hơn
Mọi điều con đã thấy
Nhưng là con giành lấy
Từ hai bàn tay con”.
“Tiếng người” là bài học cuộc sống, bài học cuộc đời. Hai bàn tay con là tri thức, lao động sáng tạo. Lời cha nói với con thơ là bài học vô cùng sâu sắc. Có điều, Vũ Đình Minh dùng lời thơ giản dị, dễ hiểu để diễn đạt lời cha dạy con. Lời thơ như nước mát thấm sâu vào tâm hồn con nhỏ.
Hai câu thơ: “Sang năm con lên bảy - Cha sẽ đưa tới trường” được điệp lại đã làm cho giọng thơ ngọt ngào thiết tha, thể hiện tình yêu thương và niềm mong ước của cha đối với con thơ yêu quý.