Nhà thơ Đỗ Trung Lai bằng những cảm nhận tinh tế của mình đã gợi lên cho em nỗi xúc động qua bài thơ "Mẹ". Nhan đề bài thơ gói gọn trong một tiếng "Mẹ" đã bao trùm toàn bộ chủ đề và ý nghĩa văn bản. Thông qua sự đối lập giữa cây cau và mẹ già, tác giả cho em thấy được nỗi xót xa trước hình ảnh người mẹ tuổi cao sức yếu, không còn khỏe mạnh, minh mẫn như xưa. Ngày từ khổ đầu, câu thơ "Lưng mẹ còng rồi" như một lời khẳng định chắc nịch của con về tuổi già của mẹ. Hình ảnh người mẹ già nua được đặt trong sự tương phản với sức sống căng tràn, mãnh liệt của cây cau. Trong khi cau thẳng, ngọn xanh thì mẹ lưng còng, đầu bạc. Dòng chảy thời gian khiến cau ngày một cao lớn còn mẹ "ngày một thấp" đi khiến con không khỏi xót xa, chạnh lòng. Rồi mai này đây, mẹ sẽ trở về với đất. Mẹ ra đi để lại bao nỗi nhớ thương vô vọng trong lòng mỗi người. Hiện thực đau lòng trước mắt đã đưa chủ thể trữ tình quay trở về những ngày còn thơ với miếng cau mẹ bổ làm tư. Giờ đây, miếng cau bổ tám "mẹ còn ngại to" gợi ra vẻ móm mém của mẹ già. Biện pháp tu từ so sánh "Một miếng cau khô/ Khô gầy như mẹ" giúp em cảm nhận được sâu sắc nỗi buồn. Câu hỏi cuối bài thơ "Sao mẹ ta già?" đâu chỉ để hỏi trời cao mà đó còn là câu hỏi người con đặt ra cho chính bản thân mình. Nó cho thấy sự bất lực khi không thể thay đổi được quy luật: sinh - lão - bệnh - tử của người con. Bằng lời thơ giản dị, tự nhiên, thể thơ bốn chữ ngắn gọn cùng biện pháp đối "còng - thẳng", so sánh "Khô gầy như mẹ" góp phần thể hiện cảm xúc buồn tủi khi thấy mẹ già đi.