Nắng mới là một tác phẩm thơ đặc sắc viết về người mẹ của nhà thơ Lưu Trọng Lư. Bài thơ có bố cục gồm ba khổ thơ, được trình bày theo dòng cảm xúc của tác giả. “Nắng mới” - là nhan đề bài thơ và cũng là từ khóa, là nhân tố then chốt giúp nhà thơ mở cánh cửa của miền kí ức, nhớ là những ngày tháng tuổi thơ. Hình ảnh tia nắng mới xuyên qua khung cửa, xung quanh là tiếng gà gáy buổi trưa nghe não nùng, đã đánh thức trong trí nhớ nhà thơ hình ảnh của người mẹ thuở thiếu thời. Hình ảnh của người mẹ hiện lên qua chiếc ảo đỏ phơi trước giậu, qua nét cười đen nhánh sau tay áo. Sắc đỏ của những chiếc áo cùng nụ cười với hàm răng đen là hình ảnh đặc trưng của những người phụ nữ Việt Nam thời kì trước. Và cũng là hình ảnh thân thuộc nhất về mẹ của tác giả. Bóng dáng người mẹ chăm lo cho nhà cửa, đứng bên tia nắng mới sáng rực mãi in sâu trong tâm trí nhà thơ. Dù cho nay bà đã đi xa, thì cũng không thể nào mờ phai đi được. Đó chính là bởi tình cảm sâu đậm, tha thiết mà ông dành cho người mẹ của mình. Kết hợp với thể thơ bảy chữ và cách ngắt nhịp 4/3 đều đều từ đầu đến cuối bài thơ, cùng cách gieo vần chân ở cuối câu thơ. Lưu Trọng Lư đã đưa người đọc vào giai điệu nhịp nhàng, êm ái như lời ru của mẹ. Góp phần truyền tải những cảm xúc yêu thương, nhung nhớ và trân trọng dành cho người mẹ. Toàn bài thơ chính là những cung bậc cảm xúc tinh tế ấy được lồng ghép qua miền kí ức về mẹ trong nắng mới của nhà thơ.