Cây bút thơ Trần Đăng Khoa được gọi là một trong những thần đồng của thơ ca Việt Nam. Bên cạnh những bài thơ về mùa xuân rực rỡ, mùa hè sôi động, mùa đông lạnh giá thì ông cũng có những bài thơ dành riêng cho mùa thu êm đềm, thi vị đó là “Khi mùa thu sang”. Bài thơ có 4 khổ, mạch cảm xúc chủ đạo theo những cảm nhận về bước đi của thời gian, mùa thu đến với những nét đặc trưng của thiên nhiên, cảnh vật, mang đến những sự thay đổi của đất trời. Thiên nhiên trong thơ của Trần Đăng Khoa có nét tinh nghịch, tươi mới hơn thông qua các biện pháp tu từ nhân hoá, ngọn khói xanh “lúng liếng”, ngoài vườn “gió chẳng đuổi nhau”. Bức tranh mùa thu tiếp tục được cảm nhận qua nhiều sự vật, hiện tượng khác, bằng những tín hiệu rất đặc trưng, đó là hương cốm mới, khoảng trời trong vắt điểm một vài ngôi sao. Thời gian cũng chuyển động dần dần từ chiều tối cho đến tối hẳn, để cảm nhận một bầu trời thu đặc trưng với nền trời trong leo lẻo, cao, thoáng đạt và mát mẻ đến lạ kỳ. Nhưng trung tâm của bức tranh của mùa thu không phải chỉ là thiên nhiên, cảnh vật mà là con người và lại là người lao động giản dị trong công việc thường ngày. Đó chính là vẻ đẹp của người lao động, là trung tâm của bức tranh mùa thu. Con người lao động đã làm nên vẻ đẹp của đất trời, làm cho mùa thu thêm sinh động, ấm áp. Đến khổ thơ cuối, nhà thơ thốt lên những dòng cảm thán “thu sang rồi đấy!thu sang!” như đang say sưa, ngây ngất với niềm vui của đất trời và vạn vật của mùa thu. Mùa thu trên trang thơ của Trần Đăng Khoa không lạnh lẽo như thu của Nguyễn Khuyến, cũng không yêu kiều diễm lệ như đây mùa thu tới của Xuân Diệu, đó là một mùa thu rất nhẹ nhàng, ấm áp, đáng yêu, gần gũi, mùa thu rất riêng của Trần Đăng Khoa.