Thánh Gióng đã trở thành một biểu tượng về người anh hùng chống giặc ngoại xâm. Trong truyền thuyết cùng tên, Thánh Gióng được xây dựng mang những đặc điểm của một nhân vật truyền thuyết. Về nguồn gốc ra đời, một lần, bà mẹ của Gióng ra đồng, trông thấy một vết chân to liền ướm thử về nhà thì mang thai, mười hai tháng sau mới sinh ra một cậu bé. Lên ba tuổi mà cậu bé vẫn chưa biết nói biết cười, ai đặt đâu thì nằm đây. Sự ra đời của Gióng không giống với những đứa trẻ bình thường, giống như một lời dự báo về cuộc đời của một con người khác thường. Cuộc đời của Gióng gắn với biến cố của đất nước, giặc Ân sang xâm lược. Nhà vua đã sai sứ giả đi khắp nơi tìm người tài cứu nước. Đến làng Gióng, khi nghe tiếng của sứ giả, Gióng bỗng cất tiếng nói đầu tiên: “Mẹ ra mời sứ giả vào đây cho con”. Tiếng nói đầu tiên của Gióng đã thể hiện được tầm lòng yêu nước, khát vọng giải cứu đất nước. Ở đây, Gióng hiện lên là một người giàu lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm bảo vệ đất nước. Kể từ hôm gặp sứ giả, Gióng lớn nhanh như thổi, cơm ăn mấy không no áo vừa mặc xong đã đứt chỉ. Bà con trong làng phải góp gạo để nuôi lớn Gióng - chính chi tiết này đã cho thấy Gióng lớn lên trong sự chăm sóc của nhân dân, đại diện cho sức mạnh của nhân dân. Khi giặc đến chân núi Trâu, Gióng vươn vai thành tráng sĩ, mặc áo giáp sắt, cầm roi sắt và cưỡi ngựa sắt đánh tan lũ giặc. Hình ảnh tráng sĩ hiện lên cho thấy quan niệm của nhân dân về người anh hùng phải có tầm vóc, sức mạnh phi thường. Ở cuối truyện, tráng sĩ đánh giặc xong cởi bỏ áo giáp sắt, cưỡi ngựa bay lên trời. Nhân dân đã dành sự tôn kính cho Thánh Gióng vì vậy muốn bất tử hóa nhân vật này. Hình tượng nhân vật Thánh Gióng khiến tôi cảm thấy cảm phục, kính trọng và yêu mến.