“Bạn đang sống ảo hay sống thật?” Nếu bạn thực sự có thể nhìn thẳng vào hiện trạng bản thân và đưa ra câu trả lời: “tôi sống ảo” thì bạn có lẽ chính là nạn nhân của một hiện tượng xã hội nghiêm trọng đang lan rộng trong cuộc sống và ảnh hưởng trực tiếp đến thế hệ trẻ chúng ta hôm nay.
Sống ảo là gì? Sống ảo là một khái niệm chỉ lối sống xa rời thực tế khi con người tìm kiếm niềm vui, sự quan tâm của người khác dành cho mình qua sự liên kết thuận tiện của mạng xã hội, các phương tiện công nghệ kết nối người dùng. Hiện tượng ấy bắt nguồn từ sự phát triển không ngừng của xã hội hiện đại ngày nay. Không còn những rào cản về mặt địa lý cách trở, không còn những trở ngại về thời gian, những phát minh thế kỉ của thời đại đã đưa con người chúng ta đến gần nhau hơn bất cứ lúc nào, ở bất cứ nơi đâu. Facebook, Zalo, Twitter, hay Instagram,… hàng loạt những ứng dụng trực tuyến, chỉ với chiếc điện thoại mà con người ta có thể bị thu hút bởi những lượt “like”, lượt “share” một cách dễ dàng. Đặc biệt đối với giới trẻ, những cô cậu bé vị thành niên khao khát thể hiện mình mạnh mẽ ở cái tuổi dậy thì đôi mươi thì thế giới ảo ấy mang một sức hút mãnh liệt hơn bao giờ hết. Đó là lý do tại sao hiện tượng sống ảo trong giới trẻ đã và đang dấy lên những lo ngại trong cuộc sống ngày nay.
Đi bất cứ đâu, thật dễ thấy hình ảnh những người trẻ ‘’dán mắt’’ vào chiếc điện thoại di động thông minh. Dù là nơi công cộng, hay ở nhà, dù là đang đi hay dừng lại, con người ta vẫn không thể nào dời tay khỏi chiếc điện thoại nhỏ bé chứa cả thế giới ấy. Sau cuộc khảo sát với hơn 3500 bạn trẻ ngẫu nhiên, Counterpoint Research đã đưa ra một con số đáng báo động, một người trẻ dành thời gian gần 7 tiếng 1 ngày để sống ảo, tương đương với gần một phần ba thời gian một ngày. Liệu giới trẻ-mầm non tương lai của mỗi quốc gia chúng ta có đang xem thế giới ảo là ngôi nhà của chúng hay không?
Giới trẻ tìm đến với thế giới ảo với mong muốn được giao lưu, tìm tòi, thể hiện bản thân. Đó là nhận định dựa trên lý lẽ thông thường mà đằng sau nó là không ít những hạn chế, tiêu cực mà thế hệ non trẻ có thể sa ngã bất cứ lúc nào. Các bạn trẻ sau sự trải nghiệm, kiếm tìm những quan tâm, sự tương tác từ người khác, họ có thể nảy sinh những ham muốn mãnh liệt hơn, mất thời gian, mất tập trung để suy nghĩ và dày công tạo nên một trang cá nhân tuyệt đẹp, nghĩ xem làm sao để thu hút thật nhiều lời khen ngợi, tâng bốc. Tất cả sự thật và ảo tưởng chỉ cách nhau qua một tấm màn hình. Có những đứa trẻ trầm lặng, im ắng, ít giao tiếp trong cuộc sống thực, nhưng ta không hề hay biết ở một thế giới khác, đứa trẻ ấy là một “anh hùng bàn phím”, đứa trẻ ấy sôi nổi, nhiệt tình như một con người hoàn toàn khác. Có những đứa trẻ vì muốn thể hiện hơn người mà khoe khoang, lừa dối chỉ vì muốn nhận được sự ngưỡng mộ, trầm trồ. Những đứa trẻ đang quên mất chúng sống ở đâu và chúng là ai!
Lối sống ảo còn là một bức tường vô hình giữa giới trẻ và gia đình, người thân. Chưa bao giờ trong cuộc sống con người ta sống gần nhau về địa lý nhưng lại có những khoảnh khắc xa cách, lạnh lùng đến thế. Dành quá nhiều thời gian đắm mình trong thế giới ảo, giới trẻ đang dần đánh mất đi những giá trị thực của cuộc sống. Thay cho một cuộc gặp mặt bạn bè huyên náo, nồng nhiệt là sự tĩnh lặng cùng chiếc điện thoại, thay cho một bữa cơm quây quần xum vầy, sự thân mật, gắn bó với cha mẹ là những bữa cơm có lệ để nhanh chóng hòa nhập vào thế giới riêng của mình. Những người trẻ liệu có nhìn thấy được sự vô nghĩa, vô tâm của bản thân hay không?
Và có lẽ những rủi ro chưa dừng lại ở đó, chúng ta không thể cứ mãi đứng nhìn con trẻ sa ngã vào thế giới vô thực kia. Một hệ thống giáo dục lành mạnh, sự quan tâm thật sự của cha mẹ và thầy cô tạo nên nhận thức lành mạnh và ý thức cảnh giác chính là những điều cần nhất ngay lúc naỳ.
Ranh giới giữa thế giới thực và thế giới ảo chỉ cách bằng một bước chân, hãy là chính mình, tỉnh táo, bớt mơ mộng để rồi bị quật ngã trước bức màn màu hồng mà lối sống ảo đang ngụy tạo.
CHÚC BẠN HỌC TỐT