Hễ nhắc đến nhà thơ Nguyễn Văn Dùng là người ta nhắc đến hai câu thơ quen thuộc với công chúng trong bài “Giếng” của ôn : “Em ra giếng gánh nước trong/Còn tôi ra giếng để không làm gì”. Hai câu thơ có duyên, vừa tình tứ lại vừa cắc cớ thi sĩ như chính tác giả, trong chừng mực nào đó làm nên “thương hiệu” Nguyễn Văn Dùng, dù ông đã làm rất nhiều thơ và tôi đồ rằng đó cũng chưa hẳn là những câu thơ chọn lọc nhất của ông.
Dễ thấy rằng tâm cảm quê hương là dòng thơ chủ đạo của nhà thơ Nguyễn Văn Dùng. Ngay tập thơ mới nhất vừa xuất bản gần đây “Khúc hát sông Hiền” cũng cho thấy điều này. Nhan đề nhiều, rất nhiều bài thơ của ông cũng chứng thực cho tình yêu quê hương của ông, từ “Thương miền nắng gió”, “Gặp lại sông Bến Hải”, “Quảng Trị mình”, “Thị xã và tôi” cho đến “Chiều tím Cửa Tùng”, “Sa Lung bên lử bên bồi”, “Nắng Đông Hà”, “Xuân về bên sông Hiếu”...Lối viết của ông lại ảnh hưởng đậm nét âm hưởng dân gian từ ca dao lục bát cho đến hò sông nước, hò giã gạo nên tình quê càng thắm thiết, nồng nàn. Trong bài “Thương miền nắng gió”, tác giả mô tả quê hương với những chi tiết chân thực từ đời sống:
Ở nơi này, anh nhớ nhiều về em
Chao ! Cái nắng quê mình như lửa đốt
và cái gió miền Trung như bão giật
cái mưa xứ mình như thác đổ triền miên.
Hay khi đứng trước “Sa Lung bên lở bên bồi” hồn thơ như trẻ lại với những đam mê, day dứt như thời trai trẻ với câu kết bất ngờ thi sĩ nhớ tiếc một dòng sông ký ức:
Một ngày trời đất hao hanh
Quên câu thơ cũ em thành cô dâu
Xênh xang áo váy qua cầu
Con sông gầy guộc bạc đầu nhớ thương...!
Nhưng thơ Nguyễn Văn Dùng không chỉ đơn thanh, đơn sắc theo lối bộc bạch dân dã có phần quê kiểng. Có những bài thơ lục bát đầy đặn càm xúc và dụng công trau chuốt nên vẫn khá hay theo cách Nguyễn Văn Dùng. Như khi ông cũng nặng lòng với một nhà văn quê hương nên sáng tác bài thơ “Hoa phù dung” tặng Hoàng Phủ Ngọc Tương.
Với tay hái đóa phù dung
Ai hay hoa đã tận cùng hư vô
Tháng năm nông nổi dại khờ
Hình như sương trắng nhuộm bờ heo may.
Viết như vậy có thể xem cũng là một tri âm của Hoàng Phủ, bởi tinh tế thấu cảm những nỗi lòng nhau nhiều khi không dễ nói, hoặc không dễ gì nói hết.
Phù dung nay đã về đâu
Có người vò võ đêm thâu ngày dài
Phập phồng hơi thở bên tai
Nghe mong manh tiếng gót hài làm tin.
Cũng như có đôi lần thơ ông đột biến giọng điệu khác lạ, cách lập ý, lập ngôn cũng khác khiến người đọc không khỏi ngỡ ngàng và thú vị trước một đột biến thơ của Nguyễn Văn Dùng. Bài thơ “Một vạn ngày” là một dẫn dụ sinh động.
Anh đã mất một vạn ngày để yêu em
Anh không muốn mất thêm một vạn ngày để quên em được nữa
Qũy thời gian của anh không còn nhiều chỉ tính bằng cơm bữa
Dù chẳng còn bao nhiêu với anh vẫn quý giá vô cùng.
Một Nguyễn Văn Dùng không còn có vẻ ngoài đùa cợt, hài hước mà đầy suy tư và triết lý. Thơ tình đầy triết luận mà vẫn không theo lối mòn, vẫn tươi mới trong lý lẽ và cảm xúc.
Anh đã mất một vạn ngày độ lượng bao dung
Anh không muốn mất thêm một vạn ngày để xót xa hơn được nữa
Không gian chật hẹp của anh không đủ ô-xy để bùng lên ngọn lửa.
Dù chật chội nhỏ nhoi với anh lại quý giá vô cùng.
Tình cảm cổ điển nhưng cách nói hiện đai, trẻ trung và đó là một thành công cần được lưu tâm khi nói đến thơ tình Nguyễn Văn Dùng.
Anh đã mất một vạn ngày để nuôi lớn tình thân
Anh không thể để mất thêm một vạn ngày để quên tình lãng mạn
Thời gian không gian với anh đã tận đáy đã bên bờ giới hạn
Dù tất cả đã phù du với anh là thứ quý giá nhất trên đời.
Tôi có cảm giác có vẻ như nhà thơ Nguyễn Văn Dùng sáng tác nhanh, nhiều và không mấy khó khăn, vật vã, đó có thể là “thể tạng” văn chương của mỗi người. Tuy vậy, bên cạnh những thành công của thi sĩ Nguyễn Văn Dùng cần được nhìn nhận đúng mức, bạn đọc vẫn muốn nhà thơ chọn lọc hơn mỗi khi cầm bút, tiết chế hơn trong tìm kiếm đề tài và thể hiện để giảm bớt những bài thơ trung bình, có thêm được những thi phẩm được công chúng mến yêu và nhắc nhở.