Hịch tướng sĩ thể hiện một tài nghệ viết văn chính luận bậc thầy, nổi bật là những thành công nghệ thuật chủ yếu:
– Trong cách lập luận của tác giả, có sự kết hợp giữa lí lẽ và thực tiễn. Để tăng sức thuyết phục, người viết thường lấy dẫn chứng từ thực tế. Tố cáo tội ác quân Nguyên – Mông để khích lệ lòng căm thù giặc cũng như nỗi nhục mất nước ở tướng sĩ, Trần Quốc Tuấn đã lột tả hành động ngang ngược của kẻ thù bằng những hành động thực tế: đòi ngọc lụa, hạch sách bạc vàng, vét kiệt của kho có hạn, đi lại nghênh ngang ngoài đường, sỉ mắng triều đình,...
- Để thuyết phục mọi người thấy rõ đúng sai bằng lí lẽ, nhận thức, Trần Quốc Tuấn nêu lên mối quan hệ tất yếu giữa nguyên nhân và kết quả. Tác giả sử dụng tài tình các quan hệ từ. Đầu câu nguyên nhân là các quan hệ từ nêu giả thiết "nếu", "hoặc", trong câu chỉ kết quả là các từ ngữ khẳng định "thì", "chẳng những", "mà". Sự hô ứng giữa các từ chỉ quan hệ có tác dụng làm nổi bật nguyên nhân của việc làm sai trái nhất định sẽ dẫn đến hậu quả tai hại.
- Cũng để thuyết phục mọi người nhận rõ phải trái, đúng sai, tác giả đã sử dụng phương pháp so sánh đối lập. Đối lập ý trong câu "Nhìn chủ nhục mà không biết lo, thấy nước nhục mà không biết thẹn. Làm tướng triều đình phải hầu quân giặc mà không biết tức; nghe nhạc thái thường để đãi yến nguy sứ mà không biết căm". Những hình tượng cũng được đặt trong thế tương phản: cựa gà trống/ áo giáp; mẹo cờ bạc / mưu lược nhà binh.
- Phương pháp tương phản được sử dụng với phương pháp so sánh. So sánh giữa ta và địch, ta thì nghĩa tình sâu nặng, địch thì ngang ngược, tàn bạo. So sánh giữa hai viễn cảnh, đầu hàng thất bại thì mất tất cả, chiến đấu thắng lợi thì được cả chung và riêng. Từ lời văn dịch khá sát có thể thấy khi nêu viễn cảnh đầu hàng thất bại, Trần Quốc Tuấn sử dụng những từ ngữ mang tính chất phủ định: "không còn", "cũng mất", "bị tan", "cũng khốn". Khi nêu viễn cảnh chiến đấu thắng lợi, tác giả dùng những từ ngữ mang tính chất khẳng định: "mãi mãi vững bền", "đời đời hưởng thụ", "không bị mai một", "sử sách lưu thơm".
– Điều đáng lưu ý là trong khi sử dụng phương pháp so sánh tương phản, người viết rất hiểu quy luật nhận thức. Các điệp từ, điệp ý tăng tiến có tác dụng nêu bật vấn đề từ nhạt đến đậm, từ nông đến sâu. Cứ từng bước, từng bước, tác giả đưa người đọc thấy rõ đúng sai, nhận ra đường phải trái.
è Hịch tướng sĩ có sự kết hợp hài hoà giữa yếu tố chính luận và yếu tố văn chương. Nội dung tư tưởng được diễn đạt bằng những hình tượng thật gợi cảm, dễ hiểu. Những hình tượng ẩn dụ "lưỡi cú diều", "thân dê chó" để chỉ sứ Nguyên đã nói lên lòng căm thù và sự khinh bỉ giặc của tác giả. Những hình tượng "người người giỏi như Bàng Mông, nhà nhà đều là Hậu Nghệ", "bêu được đầu Hốt Tất Liệt ở cửa khuyết, làm rữa thịt Vân Nam Vương ở Cảo Nhai" đã truyền tới tướng sĩ tinh thần hào hứng giết giặc. Chính nhờ sự kết hợp sâu sắc, hài hoà giữa lí luận sắc bén và nhiệt tâm yêu ghét thiết tha, giữa tư duy lô-gíc và tư duy hình tượng mà bài hịch đã tác động mạnh mẽ cả lí trí và tình cảm người đọc, đưa họ từ nhận thức đến hành động một cách tự nhiên, hợp lí.