“Trong đầm gì đẹp bằng sen” là một bài ca dao quen thuộc mà ai ai cũng nhớ, cũng thuộc. Một phần chính là nhờ thể thơ lục bát với vần điệu dễ nghe, dễ nhớ. Bài ca dao gồm hai cặp câu lục bát, trong đó tác giả dân gian sử dụng ba câu đầu để miêu tả hình ảnh tự nhiên của một đóa hoa sen giữa hồ nước. Ngay câu đầu, tác giả đã khẳng định vẻ đẹp độc tôn của hoa sen. Nhưng để tránh gây tranh cãi, thì người ta đã khéo léo gói phạm vi lại trong hồ nước. Cùng với đó là mẫu câu hỏi tu từ - hỏi mà chẳng phải để hỏi, mà như lôi kéo sự đồng tình cùng ý từ người nghe. Đóa sen trong hồ có lá xanh, cánh hoa trắng muốt, nhị hoa thì vàng tươi. Ba gam màu ấy đều rất tươi sáng, trong trẻo, khi phối hợp với nhau thì tạo nên vẻ đẹp mướt mắt, thu hút vô cùng. Nhưng điều làm nên sự độc tôn trong hồ nước của sen không chỉ đến từ vẻ đẹp bên ngoài. Mà nó còn đến từ hương thơm thanh khiết, dịu dàng của hoa sen. Mùi hương ấy che lấp, lấn át của mùi bùn tanh dưới đáy hồ - nơi búp sen mọc ra. Nhờ có đặc điểm ấy, mà hoa sen được ví với con người Việt Nam kiên cường bất khuất. Dù cho sinh ra trong khó khăn, vất vả, họ vẫn giữ cho mình một tâm hồn trinh bạch, những phẩm chất trong sạch. Dù cho từng bị kẻ thù đô hộ, giày xéo, thì nhân dân ta vẫn một lòng yêu nước, mạnh mẽ vùng lên, rũ sạch lớp bùn đen để hướng về ánh sáng của tự do. Những tình cảm, suy nghĩ ấy của nhà thơ được gói ghém qua hình tượng đóa hoa sen trắng trong bài ca dao. Chính bởi những giá trị tinh thần to lớn ấy mà bài ca dao “Trong đầm gì đẹp bằng sen” cho đến nay vẫn vô cùng được yêu mến.