Cấu tạo chínhCơ thể người được bao bọc bởi một lớp da. Trên da có nhiều lông nhỏ, mọc không đều nhau. Trong da có mạch máu, đầu mút các dây thần kinh và tuyến mồ hôi. Da bảo vệ các cơ quan trong cơ thể tránh được những ảnh hưởng có hại của môi trường ngoài, góp phần giữ nhiệt độ cơ thể không đổi. Dưới da là lớp mỡ, dưới lớp mỡ là cơ và xương. Cơ tạo nên hình dạng ngoài cơ thể, xương làm thành cái khung bảo vệ cơ thể và các nội quan.
Các phần cơ thể
Xem thêm về nội dung này tại: Giải phẫu người
Đồ họa giải phẫu học chi tiết của một bên
đầu người, nhìn thấy rõ động mạch cảnh ngoài và các dây thần kinh của da đầu, mặt và bên cổ.
Các phần cơ thể, hay còn gọi là các khoang cơ thể, là những khoảng không gian trong cơ thể chứa đựng và bảo vệ các cơ quan và hệ cơ quan, bao gồm:
- Khoang sọ và ống xương sống: là các khoang xương chứa bộ não và tủy sống, nhờ đó mà các bộ phận quan trọng này của hệ thần kinh được bảo vệ chặt chẽ.
- Khoang ngực: là khoang được giới hạn trong lồng ngực, ở phía trên cơ hoành ngăn cách với khoang bụng. Trong khoang này chứa các bộ phận chủ yếu của hệ hô hấp và hệ tuần hoàn như tim, hai lá phổi (ngoài ra còn có một bộ phận của hệ tiêu hóa đi qua khoang này là thực quản).
- Khoang bụng: nằm bên dưới cơ hoành, là khoang cơ thể lớn nhất. Khoang này chứa gan, ruột, dạ dày, thận, tử cung (ở nữ),... là các cơ quan của hệ tiêu hóa, hệ bài tiết, hệ sinh dục.
Các hệ cơ quan
Bộ xương người nhìn từ đằng trước
Hệ tiêu hóa ở người
Các cơ quan khác nhau có cùng một chức năng tạo thành một hệ cơ quan. Trong cơ thể có nhiều hệ cơ quan, nhưng chủ yếu là: hệ vận động, hệ tuần hoàn, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, hệ bài tiết, hệ thần kinh, hệ nội tiết và hệ sinh dục.
- Hệ vận động: gồm bộ xương và hệ cơ. Cơ thường bám vào hai xương khác nhau nên khi cơ co làm cho xương cử động, giúp cho cơ thể di chuyển được trong không gian, thực hiện được các động tác lao động
- Hệ tuần hoàn: gồm có tim và các mạch máu (động mạch, tĩnh mạch và mao mạch), có chức năng vận chuyển các chất dinh dưỡng, ô-xi và các hooc-môn đến từng tế bào và mang đi các chất thải để thải ra ngoài
- Hệ hô hấp: gồm có mũi, hầu, thanh quản, khí quản, phế quản và phổi, có nhiệm vụ đưa ô-xi trong không khí vào phổi và thải khí cac-bô-nic ra môi trường ngoài
- Hệ tiêu hóa: gồm có miệng, thực quản, dạ dày, gan, ruột non, ruột già, hậu môn và các tuyến tiêu hóa. Hoạt động của hệ tiêu hóa làm thức ăn biến đổi thành các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể và thải chất bã ra ngoài
- Hệ bài tiết: nước tiểu gồm 2 quả thận, ống dẫn nước tiểu và bóng đái. Thận là cơ quan lọc từ máu những chất thừa và có hại cho cơ thể để thải ra ngoài. Trong da có các tuyến mồ hôi cũng làm nhiệm vụ bài tiết
- Hệ thần kinh: gồm não bộ, tủy sống và các dây thần kinh, có nhiệm vụ điều khiển sự hoạt động của tất cả các cơ quan, làm cho cơ thể thích nghi với những sự thay đổi của môi trường ngoài và môi trường trong. Đặc biệt ở người, bộ não hoàn thiện và phát triển phức tạp là cơ sở của mọi hoạt động tư duy
- Hệ nội tiết: gồm các tuyến nội tiết như tuyến yên, tuyến giáp, tuyến tụy, tuyến trên thận và các tuyến sinh dục, có nhiệm vụ tiết ra các hooc-môn đi theo đường máu để cân bằng các hoạt động sinh lý của môi trường trong cơ thể nên có vai trò chỉ đạo như hệ thần kinh
- Hệ sinh dục: là hệ cơ quan có chức năng sinh sản, duy trì nòi giống ở người. Người phân tính nên cơ quan sinh dục có phân hóa thành tinh hoàn ở nam và buồng trứng ở nữ. Thông qua hoạt động tình dục mà sản phẩm của tinh hoàn và buồng trứng gặp nhau để tạo hợp tử rồi đến thai nhi, bắt đầu thời kì mang thai ở người mẹ
Sự phối hợp hoạt động của các hệ cơ quan
Cơ thể là một khối thống nhất. Sự hoạt động của các cơ quan trong một hệ cũng như sự hoạt động của các hệ cơ quan trong cơ thể đều luôn luôn thống nhất với nhau. Ví dụ: khi chạy, hệ vận động làm việc với cường độ lớn. Lúc đó, các hệ cơ quan khác cũng tăng cường hoạt động, tim đập nhanh và mạnh hơn, mạch máu dãn (hệ tuần hoàn), thở nhanh và sâu (hệ hô hấp), mồ hôi tiết nhiều (hệ bài tiết),... Điều đó chứng tỏ các hệ cơ quan trong cơ thể có sự phối hợp hoạt động. Các cơ quan trong cơ thể có một sự phối hợp hoạt động nhịp nhàng, đảm bảo tính thống nhất. Sự thống nhất đó được thực hiện nhờ sự điều khiển của hệ thần kinh (cơ chế thần kinh) và nhờ dòng máu chảy trong hệ tuần hoàn mang theo các hooc-môn do các tuyến nội tiết tiết ra (cơ chế thể dịch).