Hãy viết đoạn văn khoảng 10 - 12 câu trình bày ý kiến của em về ý nghĩa của việc đi tham quan du lịch.
Những chuyến tham quan, du lịch đem đến cho ta rất nhiều niềm vui. Thú vui đầu tiên là được đi đây đó ngắm nhìn thiên nhiên và cảm nhận cuộc sống ở những nơi xa xôi. Cùng sống trên một đất nước, một hành tinh nhưng điều kiện tự nhiên nơi ta đang sống và nhiều nơi rất khác nhau. Được đến những vùng biển mênh mông nắng vàng, nước xanh, cát trắng mà nô giỡn với bao con sóng bạc đầu thì thật thú vị. Hay được đến những đỉnh núi cao chót vót, giữa mây trời trắng xoá mà hét lên một tiếng để đồi núi vọng về âm thanh tha thiết ấy thì cảm động biết bao! Không chỉ vậy, đến những vùng đất xa xôi ta còn được biết đến bao phong tục, tập quán lạ lùng. Đó là tục cướp vợ của người Mông, là họp chợ tình của Sa Pa, là chợ Viềng bán rủi cầu may,... Đó còn là Tết con trai của đất nước Nhật Bản, hội thi đấu bò tót Tây Ban Nha, cuộc thi uống bia của người Đức….. Thật là mỗi vùng đất một màu vẻ. Qua những điều mắt thấy tai nghe, điều thú vị lớn nhất là chúng ta học hỏi được nhiều điểu bổ ích. Nói như cha ông ta, đó là "Đi một ngày đàng học một sàng khôn".Ta có thể học hỏi, giao lưu với các vùng đất khác những cái hay, cái đẹp. Đó là sự giao lưu về văn hoá, kinh tế. Ta có thể học được cách đan thổ cẩm của người Mông, cách nấu cơm nếp của người Thái,... Ta cũng có thể học được ở người Nhật sự chịu khó cần cù và sức sáng tạo không ngừng nghỉ; học ở người Mĩ sự tự do, phóng khoáng,... Chính bởi những chuyến tham quan du lịch đem lại cho ta nhiều niềm vui, nhiều điều bổ ích vậy nên " mỗi chúng ta phải có ý thức đúng đắn đối với việc tham quan học hỏi nhé!".'
Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc của em về một bài thơ lục bát hoặc một bài ca dao?
Công cha như núi ngất trời
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông
Núi cao biển rộng mênh mông
Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!
Bài ca dao này đã làm xúc động lòng người bởi đã gợi nên công ơn trời bể của cha mẹ đối với những người con thân yêu của mình. Tác giả dân gian nhắc đến “công cha”, “nghĩa mẹ”, đó là công sinh thành, dưỡng dục; đó là ơn nghĩa mang nặng đẻ đau và những yêu thương mẹ dành cả cho con. Ví “công cha”, “nghĩa mẹ” như núi ngất trời, như nước ở ngoài biển Đông là lấy cái trừu tượng của tình phụ tử, tình mẫu tử so sánh với cái mênh mông, vĩnh hằng, vô hạn của trời đất, thiên nhiên. Ví công cha với núi ngất trời là khẳng định sự lớn lao, ví nghĩa mẹ như nước biển Đông là để khẳng định chiều sâu, chiều rộng và sự dạt dào. Đây cũng là một nét riêng trong tâm thức của người Việt. Hình ảnh người cha thì rắn rỏi, mạnh mẽ, cha như cột trụ trong gia đình. Hình ảnh mẹ không lớn lao, kì vĩ nhưng sâu xa, rộng mở và dạt dào cảm xúc hơn. Bởi vậy, nghĩ đến công ơn cha mẹ, bài ca dao thiết tha nhắn nhủ những người con “ghi lòng con ơi!” những công ơn trời bể ấy. Và hơn thế là định hướng về cách sống, cách bày tỏ lòng biết ơn dành cho cha cho mẹ.