Về Lam Kinh những ngày thu tháng 8, ngắm dòng sông Ngọc e ấp dưới những tán rừng xanh mướt đang lững lờ trôi, càng cảm nhận được vẻ tĩnh lặng, cổ kính song rất đỗi gần gũi của Lam Kinh - chốn linh thiêng trên đất Lam Sơn. Xưa kia cụ tổ của vua Lê Thái tổ đã sớm nhận ra đây là nơi “đất lành chim đậu” quyết định san đất dựng nhà. Cũng tại đây, hơn 600 năm trước từng là nơi “chốn ẩn thần long” và thổi bùng “ngọn lửa bình Ngô” đánh đuổi giặc Minh, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc. Sau khởi nghĩa Lam Sơn giành thắng lợi, năm 1428 Bình Định Vương Lê Lợi lên ngôi, lập ra vương triều Hậu Lê, lấy niên hiệu là Thuận Thiên, đặt kinh đô ở đất Thăng Long. Nhà vua vẫn luôn nhớ về quê hương đất tổ Lam Sơn và quyết định lựa chọn Lam Sơn là nơi để thờ cúng tiên tổ, an nghỉ của các vua, thái hậu nhà Lê; nơi cử hành các nghi lễ khi nhà vua về bái yết Sơn Lăng, cũng là nơi thể hiện sự tôn vinh “đất căn bản làng vua”. Từ đó, Lam Kinh (hay Tây Kinh) đóng vai trò là “kinh đô tưởng niệm” của nhà Hậu Lê. Năm 1433, vua Lê Thái tổ băng hà và được đưa về Lam Kinh an táng. Từ đây, các điện, miếu bắt đầu được xây dựng để làm nơi thờ cúng tổ tiên, hoàng tộc nhà Lê.