Con người không có duyên phận với khoa cử này đứng ở thế đối lập với những kẻ mang danh khoa bảng mà không phải là người trong cuộc, người ở trên nhìn xuống như Nguyễn Khuyến. Vì vậy ông Tú có thể chửi thẳng mà không e dè và cũng không hề có chút chua xót cho đối tượng bị trào phúng : Ông đỗ khoa nào, ở xứ nào ? Thế mà hoa hốt với trâm bào ? Mỗi năm ngày tết trung thu đến Tôi vẫn quen ông chẳng muốn chào. Có thể thấy, hình tượng Tiến sĩ giấy của Nguyễn Khuyến mang tính đa nghĩa, giàu liên tưởng và cũng là hình tượng có tính điển hình và tính khái quát cao độ hơn. Điểm chung giữa hai tác giả chính là tấm lòng ưu ái suốt đời trăn trở vì dân, vì nước được thể hiện phong phú qua những bài thơ giàu giá trị nghệ thuật. Tiến sĩ giấy không chỉ là thành tựu nghệ thuật tiêu biểu của thơ Nguyễn Khuyến mà còn là một trong những hình tượng điển hình có giá trị nhất của văn học trào phúng Việt Nam ở giai đoạn đỉnh cao. Tiến sĩ giấy cũng không chỉ có ý nghĩa nhất thời, chỉ diễn ra trong thời đại của Tam nguyên Yên Đổ mà còn là hình tượng nghệ thuật mang giá trị phổ biến, chỉ những kẻ bề ngoài mang danh của người có học thức cao nhất nhưng thực chất bên trong lại không tương xứng với cái nhãn mà mình đang mang. Những nhân vật đó thời nào cũng có, đặc biệt trong những giai đoạn mà những giá trị thật giả lẫn lộn, đồng tiền lên ngôi, thời kỳ mà con người được định giá bằng đủ thứ danh hiệu hình thức thì loại người đó càng nhiều. Họ có thể là những kẻ mua danh bán tước, những tiến sĩ giả, nhưng họ cũng có thể là những người đi học thật nhưng tài năng kém cỏi và Nguyễn Khuyến chính là người đầu tiên đã tổng kết hiện tượng xã hội đó thành một hình tượng nghệ thuật điển hình tượng trưng cho mọi thời đại. Điều đó đã khẳng định giá trị sáng tạo và sức sống bền vững muôn đời của thơ ca Tam nguyên Yên Đổ.