Câu chuyện bắt đầu bằng một tình huống éo le, có hai mẹ con nhà cô bé này vốn rất yêu thương nhau, nương tựa vào nhau mà sống. Nhưng mẹ bỗng lâm bệnh nặng, tính mạng như ngàn cân treo sợi tóc, nếu không tìm được thuốc chữa bệnh thì sẽ chết nay mai. Vì để tìm thuốc chữa cho mẹ, cô gái đã vượt qua trăm sông ngàn suối, không quản ngại khó khăn vất vả. Nhìn thấy tình yêu thương, tấm lòng hiếu thảo của cô bé, Đức phật đã hoá thân thành nhà sư và trao cho cô gái bông hoa cúc trắng với lời dặn bông hoa cúc trắng chính là thuốc chữa bệnh cho mẹ, hoa có bao nhiêu cánh thì mẹ sống được bấy nhiêu năm. Chi tiết kỳ ảo này có giá trị sâu sắc: nó thể hiện Đức phật luôn dõi theo hành vi, ứng xử của con người. Đức phật cũng chứng giám cho tấm lòng thành của con người. Khi con người luôn hành xử đúng theo khuôn phép, chuẩn mực của đạo đức giống như cô bé trong truyện thì sẽ được hỗ trợ, giúp đỡ. Đúng là như vậy nhờ tấm lòng hiếu thảo của cô gái mà người mẹ đã được cứu chữa khỏi, hai mẹ con lại sống với nhau trọn đời. Chi tiết này cũng có ý nghĩa nhắc nhở, răn dạy con người: phải luôn biết sống hiếu thảo, yêu thương và phụng dưỡng cha mẹ. Tình cảm hiếu thảo chính là gốc rễ chuẩn mực đạo đức của con người, nếu đánh mất nó con người sống sẽ không có giá trị và sẽ phải nhận những hình phạt thích đáng.