Trong vòng 20 năm qua, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất. Tuy nhiên, để đạt được bình đẳng giới thực chất giữa nam và nữ thì còn “đường xa vạn dặm”. Tư tưởng trọng nam khinh nữ, sinh con trai nối dõi tông đường, tồn tại trong đời sống xã hội Á Đông hàng nghìn năm từ thời phong kiến cho đến nay là rào cản, quan ngại lớn nhất trên chặng đường tiến tới xóa bỏ bất bình đẳng giới giữa nam và nữ, đặc biệt là trong gia đình.
Tư tưởng trọng nam khinh nữ ở nước ta được lý giải dựa trên ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo và nhận thức của người dân về thực tiễn cuộc sống: Người đàn ông có trách nhiệm nối dõng dòng họ, sẽ trông nom chăm sóc mồ mả tổ tiên; không có con trai là một điều bất kính với tổ tiên dòng họ. Nam giới là nguồn lao động chính, kế thừa tài sản của gia đình và có trách nhiệm chăm sóc cha mẹ lúc về già. Khi hệ thống phúc lợi xã hội đối với người già còn chưa phát triển, nhất là tại các vùng nông thôn, nơi 74% dân số đang sinh sống, con cái chăm sóc cha mẹ già vẫn là hết sức quan trọng. Người già vẫn đa phần phải dựa vào sự hỗ trợ trong gia đình. Chính vì cái tư tưởng “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” đã đẩy nhiều gia đình rơi vào bi kịch mà nguyên nhân chỉ vì người trong cuộc không sinh được con trai nối dõi tông đường.
Điển hình cho quan niệm trên là vụ việc của gia đình ông Nguyễn Quang T tại huyện Hương Hồ tỉnh Thừa Thiên Huế là một ví dụ. Ông Nguyễn Quang T lấy vợ nhưng lại sinh được ba người con gái, hai con gái lớn đã lấy chồng xa, hiện tại ông và vợ sống cùng cô con gái út, mặc dù không sinh được con trai nhưng các con của ông T rất ngoan ngoãn, hiếu lễ với cha mẹ. Tuy nhiên, ông T lại là con trưởng trong gia đình, với vị trí của người con trưởng ông T có “nghĩa vụ” là người nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên. Cũng vì những định kiến như vậy nên khi ông T không có con trai, người thân trong gia đình của ông T đã quay lưng, hắt hủi vợ chồng ông, họ buộc ông cùng vợ con phải chuyển khỏi ngôi nhà xây dựng trên mảnh đất tổ tiên để lại, không cho ông làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đẩy vợ chồng ông T rơi vào hoàn cảnh không có chỗ nương thân. Cũng từ đây, mâu thuẫn gia đình ông T ngày càng kéo dài, tình nghĩa anh em, chú cháu, họ hàng nội tộc bị sứt mẻ chỉ vì quan niệm xưa cũ “có một thằng con trai đã là có còn có mười đứa con gái cũng bằng không”.