+ Lão Hạc là truyện ngắn xuất sắc của nhà văn Nam Cao. Lấy bối cảnh cuộc sống người nông dân Việt Nam trước cách mạng tháng Tám, tác giả đã thể hiện sự chân thực và cảm động về cuộc sống cơ cực và số phận đau thương của người nông dân Việt Nam dưới xã hội thực dân phong kiến và ca ngợi những phẩm chất cao quý của họ.
+Cảm nghĩ nổi bật nhất về truyện ngắn Lão Hạc:
Trong chương trình trung học cơ sở, truyện ngắn khiến em ấn tượng nhất là "Lão Hạc" của nhà văn Nam Cao. Sau khi đọc xong truyện ngắn, em cảm thấy thương xót cho hoàn cảnh của lão Hạc, thương cho Cậu Vàng. Lão Hạc là hiện thân của người nông dân Việt Nam trước cách mạng tháng Tám.
Truyện ngắn "Lão Hạc" được Nam Cao sáng tác năm 1943, phản ánh chân thực cuộc sống của người nông dân Việt Nam trong xã hội phong kiến. Lão Hạc là một người nông dân chất phác, hiền lành, sống tình nghĩa, tự trọng. Lão sống cô độc, chỉ có con chó Vàng làm bạn. Khi con trai lão vì nghèo không lấy được vợ mà bỏ đi đồn điền cao su, lão Hạc phải bán con chó Vàng, vật nuôi mà lão yêu quý nhất. Lão đau đớn, dằn vặt khi phải bán con chó, nhưng lão không muốn con chó phải chịu khổ.
Cuộc sống của lão Hạc ngày càng khó khăn, lão phải ăn bả chó tự tử để bảo toàn nhân phẩm, không muốn làm phiền đến con trai. Cái chết của lão Hạc là một bi kịch, nhưng cũng thể hiện sự phản kháng của người nông dân trước áp bức, bất công của xã hội.
Lão Hạc là hiện thân của người nông dân Việt Nam trước cách mạng tháng Tám. Lão bị xã hội phong kiến đẩy vào đường cùng, không còn lối thoát. Lão buộc phải chọn cái chết để giải thoát cho bản thân. Cái chết của lão Hạc là một lời tố cáo mạnh mẽ xã hội phong kiến tàn bạo, chà đạp lên quyền sống của con người.
Cái nhìn, cách nhìn của con người về một xã hội, về người nông dân trước cách mạng, cái nhìn bất lực. Qua đó Nam Cao muốn gửi gắm tâm sự của mình đến bạn đọc, xã hội cần những người quan tâm, suy nghĩ đúng đắn về những con người sống quanh mình, nhìn nhận và đánh giá họ bằng sự đồng cảm, bằng đôi mắt của tình thương.
Cái chết của lão Hạc là biểu hiện cao nhất của đức hi sinh. Là cách giải thoát của con người khi bị dồn vào bước đường cùng cực. Tình cảnh cùng cực, đói quẫn đã đẩy lão đến với cái chết như là một sự giải thoát. Cái chết ấy đầy tức tưởi, đầy tình thương. Cái chết phản ánh số phận bi thảm, bế tắc của người dân nghèo trong xã hội đầy áp bức bất công.
Đọc "Lão Hạc" là một sự phản ánh hiện thực đầy rõ ràng, chính xác, cái chết của lão đầy bi thương, cái chết của cậu Vàng cũng vậy, cậu Vàng như một thành viên trong gia đình lão, không chỉ đơn thuần là sắm một vai trong ấy, cách mà lão đối đãi với cậu, cách mà lão lừa để người ta bắt cậu. Lão mất cậu cũng như mất đi người thân của lão. Cậu Vàng và cái chết của cậu khiến bạn đọc vô cùng ám ảnh.
Qua truyện ngắn "Lão Hạc" ta phần nào hiểu hơn về tình cảnh của người nông dân trước cách mạng tháng Tám, cuộc sống lầm than, nghèo khổ, không lối thoát. Đọc "Lão Hạc" để lại bao ám ảnh. Tác giả có thể chết nhưng nhân vật thì sống mãi. Nam Cao đã mất từ rất lâu nhưng những tác phẩm của ông để lại có sức phản ánh cực kì mãnh liệt. Đọc "Lão Hạc" của Nam Cao, ta thấy rõ được số phận những người dân cùng cực khi chưa có thắng lợi cách mạng tháng Tám. Trước những nỗi cùng cực, con người phải cảm thông, đùm bọc, thương yêu lẫn nhau trong cuộc sống. Đề cao giá trị con người cũng như đề cao phẩm chất của con người cũng chính là cách mà giúp con người đoàn kết hơn trong cuộc sống để vượt qua mọi khó khăn gian khổ.