ồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cộng sản kiên cường, mẫu mực, người con ưu tú của Đảng và dân tộc, đã suốt đời chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Lời nhắn nhủ, cũng là lời hiệu triệu của Đồng chí: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” đến nay vẫn gợi lên bao điều đối với công tác tu dưỡng, rèn luyện của những người đảng viên cộng sản.
Khu mộ Cố Tổng Bí thư Trần Phú, tại xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. (Ảnh: in-tơ-nét)
Đồng chí Trần Phú sinh ngày 01-5-1904 tại thành An Thổ, phủ Tuy An, tỉnh Phú Yên (nay thuộc xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên). Nguyên quán của Trần Phú ở làng Tùng Sinh, nay thuộc xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Bước ngoặt trong cuộc đời cách mạng của đồng chí Trần Phú là việc được cử sang Quảng Châu (Trung Quốc) liên lạc với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tại đây, Trần Phú đã gặp Nguyễn Ái Quốc và được dự lớp huấn luyện chính trị do Người giảng dạy; được kết nạp vào Cộng sản Đoàn và được Người giới thiệu sang học tại Trường đại học Phương Đông ở Mác-xcơ-va. Tiếp đó, Trần Phú được Nguyễn Ái Quốc và Quốc tế Cộng sản cử về nước hoạt động, được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời và được giao trọng trách viết Dự thảo Luận cương chính trị. Tháng 10-1930, Luận cương chính trị cùng với Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo được Hội nghị hợp nhất ba tổ chức Cộng sản thông qua, và xác định rõ con đường phát triển của cách mạng Việt Nam là: đánh đổ chủ nghĩa đế quốc và phong kiến tay sai giành độc lập dân tộc, thực hiện người cày có ruộng và tiến lên xây dựng chủ nghĩa cộng sản. Với công lao và đóng góp to lớn đó, tháng 10-1930, đồng chí Trần Phú đã được Hội nghị Trung ương Đảng bầu là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.
Trên cương vị là Tổng Bí thư, đồng chí đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân ta. Trần Phú là một trong những nhà lý luận cách mạng tiên phong, có đóng góp quan trọng vào việc xây dựng Đảng ta về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Trong điều kiện Đảng mới thành lập, trình độ lý luận của đảng viên còn hạn chế, Luận cương chính trị của Đảng là một nỗ lực trong việc tiếp thu, vận dụng đường lối cách mạng thuộc địa và nửa thuộc địa của Quốc tế Cộng sản vào tình hình Đông Dương. Luận cương đã phân tích đặc điểm, tình hình xã hội thuộc địa nửa phong kiến và nêu lên những vấn đề cơ bản của cách mạng tư sản dân quyền ở Đông Dương do giai cấp công nhân lãnh đạo.
Tổng Bí thư Trần Phú là một tấm gương sáng về lòng trung thành, tinh thần kiên cường, bất khuất trước kẻ thù. Gần 5 tháng bị bắt và bị giam cầm với muôn vàn thủ đoạn tra tấn, dụ dỗ của kẻ thù, nhưng Đồng chí vẫn giữ vững chí khí chiến đấu của người cộng sản. Trong quá trình bị địch bắt giam ở Sài Gòn (ngày 18-4-1931), thực dân Pháp đã không từ một thủ đoạn dã man, xảo quyệt nào hòng khuất phục người cộng sản kiên trung của Đảng, kể cả việc dụ dỗ, mua chuộc, nhưng chúng đều thất bại. Trong mọi hoàn cảnh, Trần Phú luôn luôn bình tĩnh, sáng suốt truyền niềm tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng đến các đồng chí khác. Tổng Bí thư Trần Phú hy sinh ngày 6-9-1931 tại Nhà thương Chợ Quán (Sài Gòn). Trước lúc ra đi, Trần Phú nhắn gửi đồng chí, đồng bào lời hiệu triệu: "Hãy giữ vững chí khí chiến đấu".
Tổng Bí thư Trần Phú mất đi, song sự nghiệp cách mạng vẻ vang, tinh thần bất khuất, phẩm chất cách mạng cao quý, khát vọng cao cả và niềm tin vào thắng lợi của Đồng chí sẽ mãi mãi là tấm gương sáng cho thế hệ đảng viên hôm nay; cổ vũ mọi người phấn đấu hoàn thành sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Học tập Tổng Bí thư Trần Phú trước hết là học tập ý chí, nghị lực của người đảng viên cộng sản. Hiện nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta tiến hành trong điều kiện có cả thuận lợi, khó khăn đan xen. So với hoàn cảnh, tình hình cách mạng khi đất nước chưa được giải phóng, chưa thoát khỏi ách đô hộ của chế độ thực dân thì chúng ta có thuận lợi hơn nhiều. Người cán bộ, đảng viên (CB,ĐV) không phải đối mặt trực tiếp với sự hy sinh, gian khổ. Tuy nhiên, những tác động từ sự chống phá của các thế lực thù địch, từ mặt trái của nền kinh tế thị trường đến mỗi CB,ĐV là không nhỏ. Các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược “Diễn biến hoà bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” quân đội,... với âm mưu, thủ đoạn hết sức thâm độc, nguy hiểm. Trong nền kinh tế thị trường, những cám dỗ về vật chất và tinh thần thường xuyên tác động đến mỗi người. Do đó, nếu không tu dưỡng, rèn luyện, người CB,ĐV rất dễ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, xa rời mục tiêu phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, sa vào chủ nghĩa cá nhân, làm mất lòng tin của quần chúng. Đáng chú ý là, hiện tượng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận CB,ĐV như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng đã chỉ ra. Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, yếu kém đó là: CB,ĐV thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, buông lỏng trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân,... Vì thế, việc tu dưỡng và rèn luyện đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị “chí khí chiến đấu” của mỗi CB,ĐV càng trở nên cấp thiết; trở thành vấn đề quan trọng, cấp bách của công tác xây dựng Đảng hiện nay. Trước hết, mỗi CB,ĐV phải thường xuyên tự học tập, tu dưỡng, rèn luyện ý chí, bản lĩnh chính trị, lý tưởng cách mạng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH - con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn mà bao CB,ĐV của Đảng đã chiến đấu, hy sinh. Tấm gương về ý chí suốt đời chiến đấu, hy sinh của những người cộng sản, như: Hồ Chí Minh, Trần Phú, Nguyễn Văn Cừ, Ngô Gia Tự,... thể hiện trước hết ở chỗ luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết; biết giải quyết đúng đắn giữa lợi ích cá nhân với lợi ích của giai cấp, của dân tộc, dù trong hoàn cảnh nào cũng “dĩ công vi thượng”. Hiện nay, việc giữ gìn đạo đức cách mạng của người CB,ĐV có liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng. Hồ Chí Minh khẳng định: đạo đức là cái gốc của người cách mạng “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”1. Hơn nữa, việc tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên phải bền bỉ suốt đời, phải trên tinh thần tự giác, tự nguyện, dựa vào ý thức, trách nhiệm cao đối với Đảng, với Tổ quốc, đúng như lời dạy của Người: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”2. Do đó, để tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, mỗi tổ chức đảng, đảng viên cần tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh một cách khoa học, thiết thực, hiệu quả. Mỗi CB,ĐV phải có kế hoạnh, mục tiêu phấn đấu cụ thể, thiết thực, tạo được bước chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động theo tấm gương đạo đức của Bác, của những chiến sĩ cộng sản tiêu biểu qua các thời kỳ cách mạng - những tấm gương sáng cho nhân dân noi theo.
Mặt khác, các tổ chức đảng cần tăng cường công tác quản lý CB,ĐV về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống. Nắm chắc tư tưởng, lối sống, ý thức chính trị,… của mỗi đảng viên trong phạm vi quản lý để chủ động ngăn ngừa những hành vi tiêu cực, khuyết điểm. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát CB,ĐV bằng nhiều hình thức phù hợp, giữ nghiêm kỷ luật của Đảng, xử lý nghiêm minh đối với mọi tập thể và cá nhân vi phạm; đồng thời, làm tốt công tác thi đua, khen thưởng, biểu dương kịp thời những người có thành tích.
Để tu dưỡng, rèn luyện đạt kết quả cao, đòi hỏi mỗi CB,ĐV phải nêu cao tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI), làm cho mỗi người, mỗi tổ chức tốt lên, “phần tốt trong mỗi người nảy nở, phần xấu bị loại bỏ”. Việc tự phê bình và phê bình phải tiến hành thường xuyên “như rửa mặt hằng ngày”; phải thẳng thắn, trung thực, không đặt điều, không thêm bớt, không che giấu. Trong phê bình, phải làm rõ ưu điểm để phát huy và nhân rộng hơn; đồng thời, phải vạch rõ những yếu kém, khuyết điểm, sai phạm để kịp thời ngăn chặn, khắc phục. Về hình thức phải giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, khoan dung, độ lượng, có tình đồng chí, thương yêu lẫn nhau, nhưng thẳng thắn, kiên quyết đấu tranh với biểu hiện tiêu cực, hành vi sai trái. Mỗi tổ chức đảng cần giữ vững và thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức, sinh hoạt và hoạt động của Đảng; cụ thể hoá nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; chế độ trách nhiệm của người đứng đầu; phát huy dân chủ trong sinh hoạt, coi trọng và thực hiện đúng quy chế làm việc, thực hiện nghiêm kỷ luật của Đảng “phát huy dân chủ đi liền với tăng cường pháp chế, đề cao trách nhiệm của CB,ĐV”.
Tổng Bí thư Trần Phú - một nhà lý luận xuất sắc của Đảng còn là tấm gương về tinh thần học tập, nghiên cứu lý luận. Trong quá trình hoạt động cách mạng, Đồng chí luôn luôn chú trọng việc học tập nâng cao nhận thức lý luận cách mạng, lý luận của chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Nhờ đó, Trần Phú đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ viết Dự thảo Luận cương chính trị của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này đã đánh giá: Cương lĩnh ấy rất phù hợp với nguyện vọng thiết tha của đại đa số nhân dân ta là nông dân. Vì vậy, Đảng ta đoàn kết được những lực lượng cách mạng to lớn chung quanh giai cấp mình. Còn các đảng phái của các giai cấp khác thì hoặc bị phá sản, hoặc bị cô lập. Do đó, quyền lãnh đạo của Đảng ta không ngừng được củng cố và tăng cường. Noi gương người Tổng Bí thư mẫu mực của Đảng, mỗi CB,ĐV phải không ngừng học tập nâng cao trình độ mọi mặt, nhất là trình độ lý luận về chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nâng cao năng lực thực tiễn, năng lực tổ chức triển khai thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú, mỗi CB,ĐV nguyện không ngừng phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, ý chí chiến đấu, khí phách của người cộng sản; kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng, một lòng, một dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và sự hy sinh cao cả của đồng chí Trần Phú mãi mãi được Đảng ta, nhân dân ta, dân tộc ta khắc ghi. Tinh thần bất diệt của lời hiệu triệu: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” vẫn đang cổ vũ, thôi thúc các thế hệ người Việt Nam hôm nay quyết tâm phấn đấu hoàn thành sự nghiệp cách mạng của Đảng, đưa đất nước tiến lên CNXH, chủ nghĩa cộng sản như khát vọng mà cố Tổng Bí thư Trần Phú đã trọn đời cống hiến.